Góp tiền làm phim về Đại tướng

Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Ảnh: Như Ý
Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Ảnh: Như Ý
TP - Vị tướng của nhân dân, bộ phim tài liệu dự kiến ra mắt vào giỗ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được làm từ tiền đóng góp của nhân dân, đã huy động được gần 500 triệu đồng.

Đoàn làm phim đã ghi hình ở Hà Nội, Quảng Bình, từ tháng 4 đến tháng 6 tiếp tục gặp gỡ nhân chứng ở TPHCM, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Cần Thơ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Ban đầu phim dự kiến ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy nhiên kịch bản thay đổi để có được đại cảnh quan trọng về lễ kỷ niệm sắp diễn ra.

Vị tướng của nhân dân xuất phát từ ý tưởng của ông Bùi Thế Vịnh (TBT Tạp chí Điện ảnh Việt Nam), được sự đồng thuận của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho phép làm bộ phim xã hội hóa, có sự hậu thuẫn của nhà báo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Đỗ Quý Doãn trong vai trò chỉ đạo sản xuất.

“Lúc đầu không có ý định làm phim về Đại tướng, tôi cũng nghỉ hưu rồi. Nhưng vì lòng kính yêu, cảm xúc quá lớn đối với Đại tướng, ngay từ tháng 10 năm ngoái, tôi ngồi viết kịch bản suốt 4 tháng, đọc tài liệu, xem các phim về Đại tướng và hoàn thành 58 trang kịch bản văn học từ trước Tết”, đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga nói trong cuộc họp báo sáng 27/3, thông báo tiến độ sản xuất bộ phim này.

Dung lượng dự kiến 50 phút nhưng đại diện đoàn làm phim cho biết, có thể căn cứ tư liệu để làm thành hai hoặc nhiều tập hơn. Bởi ý tưởng chủ đạo-tình cảm của nhân dân đối với Đại tướng- quá lớn lao, tư liệu có thể rất nhiều, khó nén.

Nếu lấy lí do này thì khả năng phim kéo dài nhiều tập là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ sự tự nguyện của nhân dân đến nay mới gần được 500 triệu đồng, theo dự kiến hết khoảng 650 triệu đồng. Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang nói, ông không quan tâm thời lượng, hay thể loại: “Đương nhiên một tác phẩm nghệ thuật dù ý nghĩa thế nào, thì tận cùng của nó cũng là chất lượng”.

Ở thời điểm Đại tướng ra đi, có hàng nghìn bài báo, hình ảnh xuất hiện, nên không ít người băn khoăn về chất lượng bộ phim Vị tướng của nhân dân. Đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga tự nhận mình “không tài giỏi, nổi tiếng gì, chỉ là người làm nghề chuyên nghiệp”. Ấy là khiêm tốn thế, phim tài liệu của bà cũng từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Bông sen vàng tại LHP VN thứ 16. “Khó khăn và áp lực lớn nhất: Rất nhiều phim tài liệu trong và ngoài nước làm về Đại tướng”, đạo diễn nói. Bà cũng nói thêm, cố gắng làm phim với trách nhiệm cao nhất, để sau khi phim ra đời ít người chê trách nhất.

“Chúng tôi sẽ không làm lê thê để lấy tiền của nhân dân, cố gắng để ý tưởng lớn nhất-vị tướng của nhân dân- sẽ tập trung trong phim. Khi chấp nhận làm phim này, toàn bộ ê kíp không lấy nhuận bút. Chính vì thế về cơ bản với số tiền hiện nay chúng tôi có thể làm được một bộ phim hai tập, mỗi tập chừng 40 phút”, đạo diễn Việt Nga phân trần.

Ông Bùi Thế Vịnh khẳng định: “Chúng tôi sẽ công khai minh bạch tài chính, đó là vấn đề hàng đầu”. Danh sách những người ủng hộ kinh phí làm phim được đăng tải đầy đủ trên website, trên tạp chí. Bà Việt Nga nói thêm, điều khiến đoàn làm phim lo sợ là nhân dân, những người góp tiền cho bộ phim của Đại tướng sẽ thất vọng về bộ phim. Nhưng điều lo sợ hơn thế, nếu nhỡ ra có ai đó thắc mắc khoản tiền đó được chi tiêu ra sao. Cho nên mọi chi phí cho đoàn làm phim đều được có hóa đơn lưu giữ, sau sẽ quyết toán và công bố rõ ràng.

Được hỏi về chiến lược phát hành, đại diện đoàn làm phim khá bối rối. Có lẽ bị cảm xúc muốn làm phim lấn át, và quen tư duy làm phim nhà nước, nên đến nay chưa rõ sau khi phim làm xong sẽ đến với công chúng bằng con đường nào. Trong giai đoạn sản xuất, tạp chí này sẽ phối hợp với VOV, VTC, đài Quảng Bình và Viện phim Việt Nam trong đó có Hãng phim Sài Gòn, nhưng chưa thấy sự tham gia của VTV. Thực tế, nhiều phim tài liệu chất lượng làm ra, nhưng rất khó lên sóng truyền hình quốc gia.

Đây là bộ phim hoàn toàn xã hội hóa, nên ngay từ kịch bản văn học cũng không cần sự thẩm định của hội đồng duyệt ở Cục Điện ảnh. Chính vì thế, khi phim làm xong, Cục không có vai trò gì khi đưa phim đến đông đảo công chúng? Trả lời vấn đề này, bà Lý Phương Dung, Trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Điện ảnh) giải thích, khi phim hoàn thành nếu được phổ biến trên hệ thống rạp cần qua hội đồng trung ương thẩm định, cấp giấy phép phổ biến.

Vị tướng của nhân dân do NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga viết kịch bản và đạo diễn, hai nhà quay phim NSƯT Lê Quốc Hùng và Trịnh Quang Tùng thực hiện. Tạp chí Điện ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận đóng góp của nhân dân vào kinh phí làm phim.

MỚI - NÓNG