Gọi thầy xưng con

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lại rộ lên bàn cãi quanh việc xưng hô giữa thầy cô với học trò trong nhà trường. Cơ bản vẫn đòi bỏ việc gọi "con", thay bằng xưng "tôi". Việc này bàn luận liên miên, từ lâu lắm rồi, giờ chỉ là dịp nhắc lại.

Cũng khổ, vì đại từ nhân xưng trong Tiếng Việt phong phú quá. Nhưng "con" với người Việt cứ phải được hiểu theo nghĩa huyết thống sinh học (chỉ trừ trong tôn giáo), còn "tôi" là tôi trong mọi hoàn cảnh. Chứ không có tiền tố hay hậu tố như trong chữ "tôi" với tiếng Nhật chẳng hạn. Để có thể uyển chuyển tăng hay giảm bớt sự trang trọng, khiêm cung phù hợp khi giao tiếp.

Gọi thầy xưng con ảnh 1

Tác giả: Trí Quân

Đúng là việc học sinh, sinh viên xưng "con" với giáo viên, giáo viên gọi trò là "con" giờ đã đến lúc chín muồi để nghiêm túc xem lại. Đặc biệt là thầy cô, cán bộ giáo dục phát biểu trên báo, đài, hay nội dung ghi trên băng rôn, khẩu hiệu thì không nên cứ dùng "các con" khi nói về học trò mình trước đối tượng khán giả/độc giả rất đa dạng tuổi tác. Ra khỏi khuôn khổ lớp học, cách xưng hô hiện đang đại trà như vậy là khá phản cảm.

Nhưng là người Á Đông, với nền tảng ngôn ngữ đặc thù như tiếng Việt, tôi cho rằng không thể sổ toẹt tất cả cách xưng hô trong nhà trường hiện nay. Cũng như không thể chỉ vì la liệt những tấm bảng "Tiên học lễ, hậu học văn" mà đòi bỏ chữ lễ trong nhà trường. Mà ngành giáo dục đến lúc cần "quy hoạch" lại cách xưng hô, để thống nhất và phù hợp với nhân sinh quan hiện đại theo từng đối tượng, bậc học. Để vừa không khiến học sinh có cảm giác "nhỏ bé, thụ động", vừa tự tin và ý thức hơn về cái tôi cá nhân, mà vẫn không có cảm giác thất lễ.

Với lớp mẫu giáo và kể cả cấp tiểu học, tôi cho rằng xưng/gọi "con" là phù hợp. Lên bậc trung học (THCS, THPT) học sinh cần xưng "em", thầy cô gọi là "bạn/các bạn" hoặc "trò/các trò" là được. Còn từ bậc đại học trở lên thì cặp xưng hô giữa giảng viên và sinh viên phải là "tôi" - "các anh chị/các bạn". Sinh viên có thể ngượng miệng, chưa quen rồi sẽ quen. Quan trọng là thái độ của giảng viên không coi đấy là kiểu xưng hô "quá trớn" để tỏ thái độ. Gọi sinh viên là "ông bà" như GS Trần Quốc Vượng cũng thật thú vị, nhưng không phải người thầy nào cũng đủ cá tính và đẳng cấp để xưng hô như vậy.

Chủ đề bàn luận về "cái tôi" vốn đã được giảng khá kỹ trong sách giáo khoa và vào các đề thi nghị luận từ văn học đến xã hội lứa trung học phổ thông. Sách và câu lệnh các đề thi cũng ghi "Theo anh/chị…" chứ đâu ghi "theo em" như các bậc học bên dưới.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, một anh phụ trách Đội và là người thầy đáng quý của lứa học trò chúng tôi ở Quảng Nam-Đà Nẵng là nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn đã có ca khúc "Bài học đầu tiên" nổi tiếng. "Thưa thầy em đã thuộc bài học sáng nay/Trong bài giảng có bụi phấn bay bay trên tóc thầy…". Bài hát đến giờ vẫn rộn rã vang lên khắp các sân trường. Đâu cần phải xưng "con" mà vẫn ngọt ngào da diết như tình cha con…

Nhưng rồi, xưng hô khiêm cung một chút cũng chưa hẳn tạo ra thảm họa. Mà căn bệnh học trò, phụ huynh coi thường thậm chí nhục mạ, hành hung thầy cô hiện đang tràn lan mới đáng sợ hơn nhiều.

MỚI - NÓNG