Vui như Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhớ thuở bé ở Hà Nội mẹ tôi thỉnh thoảng được thưởng cái phích nước, khi thì cái vỏ chăn bông, thước vải. Là công nhân ca dệt đêm trừ tịch nhà máy dệt 8-3 từng được vào thơ trong sách giáo khoa một thời, phải thi đua ghê lắm mới được. Còn Tết tiêu chuẩn thưởng cho công nhân thường là hộp mứt, chai rượu, lạng thịt, phong pháo... Vậy mà vui như Tết.

Bây giờ mấy ai còn cái cảm giác vui như Tết? May chăng chỉ còn bọn trẻ con? Đấy là chủ quan của một kẻ thị dân đã luống mệt, chứ ở bao vùng quê có lẽ vẫn còn cảm giác ấy. Là khi con cháu kéo nhau về dâng mâm cơm thắp nén hương lên ông bà tổ tiên. Là quây quần đông đủ ăn uống, là cùng nhau thức đợi giao thừa,… Vui còn hơn Tết trong thời điểm dịch dã như lúc này là cha mẹ, ông bà, con cháu được đoàn tụ.

Gõ một chữ “Tết” lên google lập tức có gần 1 tỷ kết quả. Để thấy Tết vẫn là cái gì đó quan trọng lắm, muốn “bỏ” cũng còn lâu mới bỏ được. Dù giữa thời đại số hóa này rồi Tết cũng sẽ số hóa toàn phần.

Vui như Tết ảnh 1

Tác giả: Trí Quân

Trong khi Kon Tum nôn nóng dựng trái phép hàng loạt cổng chào hoành tráng tiền tỷ đón Tết (và hẳn là đón người về quê ăn Tết), thì cổng nhà của hàng chục hộ dân một xã ở Thanh Hóa mấy ngày qua bị khóa cứng bên ngoài, cán bộ thôn giữ chìa. Để phòng lây lan dịch bệnh vì có người từ xa về quê ăn Tết! Tất nhiên những cánh cổng ấy sau đó đã được cấp trên yêu cầu mở ra. Nhưng cũng đủ thấy đường về với cái Tết quê hương bản quán với nhiều người còn xa lắm. Không chỉ thiếu hụt, cách trở về tiền bạc, công việc hay thời gian. Nhiều địa phương đã kêu gọi người dân năm nay không về quê ăn Tết.

Mọi thứ lịch trình đời sống này đã đảo lộn, thì Tết cũng không ngoại lệ. Vui như Tết, thì được ngày nào vui cũng đều là Tết, phải vậy không? Trước Tết cả tháng đã thấy người các nơi tranh thủ kéo nhau đi “chơi Tết” trước ở khắp những chốn danh thắng. Sợ đến Tết thật lại bị dịch bệnh chôn chân ở nhà. Giờ có lẽ chỉ còn thiếu lời chúc tụng, và tất nhiên là thiếu không khí lễ hội năm mới.

Tết, ý nghĩa nhất của nó có lẽ đó là cái mốc thời gian/thời khắc chuyển giao mang tính tâm linh để con người ta có cơ hội “xóa cũ, làm mới”. Mong muốn gạt bỏ lại mọi tai ương muộn phiền sau lưng, hướng hy vọng tiếp theo vào những gì mới mẻ, tốt đẹp hơn ở phía trước. Và cũng thoáng vui với nhiều người khi đã cộng thêm cho mình một cột mốc mới tuổi tác đời người. Cho dù những gì phía trước với phần đông còn khá mơ hồ, ít nhất là dịch dã, là những trắc trở khó khăn…

Học giả Phạm Quỳnh gọi Tết là “một xúc động tập thể”, là dịp hiếm hoi để cả một dân tộc được cùng nhau sống trong một tình cảm, một ý tưởng chung. Nghĩ lại, giữa đời sống hiện đại lắm nỗi xô bồ này cơn “xúc động tập thể” thiêng liêng ấy lại càng hiếm hoi.

Lại một cái Tết nữa ai nấy phải tìm cách “vặn nhỏ mùa xuân” của mình. Cả năm học hành thi cử online, họp hành làm việc online thì thêm một cái Tết trực tuyến nữa cũng dễ trở thành hiện thực với số đông người Việt. Vui như Tết với nhau qua màn hình điện thoại có lẽ dần không còn là nghịch cảnh.

MỚI - NÓNG