Tôi, hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tết chính là hôm qua, là ngay hôm nay, là ngày mai, nếu Tết là niềm vui sống, nếu thời gian hiện tại thực sự đem lại niềm vui sống mà không cần so đo tính tháng tính ngày. Tôi hằng hiểu vậy. Như từng thấu cảm lời chúc Tết một năm xa nào đó của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, người vừa nhẹ nhàng rời cõi rạng sáng qua tại xứ Huế. “Chúng ta đang có rất nhiều may mắn; mỗi ngày chúng ta đang chế tác thêm bình an, hạnh phúc, tình huynh đệ“.

Nhiều lúc cứ phải cân nhắc xem nên dùng cụm từ gì để nhắn lời chúc cho nhau. Nhiều mỹ từ quá, Hán có Việt có Tây có. Làm sao để tỏ lòng chân thật, không hoa mỹ, không nhàm không sáo khiến đôi lúc ta làm khổ ta. Có chuyện tưởng đùa như chúc mà có hai chữ “sức khỏe” thì sẽ thành húy kỵ với người của một địa phương, vì người nơi đó thường có thói quen nói lái thành “sẽ khuất”!

Nhiều lúc cứ ngẫm ngợi, châng lâng rằng sao chỉ đợi đến những thời khắc mang tính chuyển giao nào đó mới gửi đến nhau lời chia vui? Sao không phải tôi, mà là của người khác? Sao không phải ngay lúc này với niềm vui chia sẻ và đón nhận?

Thế giới và con người ngày một ảo hơn. Mỗi cái tôi giờ có hai hiện thân là thực và ảo, mà sự hiện diện của cái ảo mỗi ngày trôi qua đang chiếm nhiều thời gian của chúng ta hơn cái thực. Thế giới và mọi doanh nghiệp đang song hành và cạnh tranh giữa hai thế giới, là thế giới vật chất của các nguồn lực có thể nhìn thấy và chạm vào, và thế giới ảo được tạo ra từ thông tin. Thời đại mà thặng dư tư bản dường như không còn đến từ sức lao động và tư liệu sản xuất thông thường, mà đã bước vào hình thái “tư bản giám sát” như nghiên cứu của các nhà kinh tế học.

Những icon, biểu tượng chúc Tết, chúc mừng vui nhộn mà rập khuôn trên các giao diện điện tử ngày càng thay thế cho ngôn ngữ cảm xúc thực tế muốn nói ra để gửi đến cho nhau. Xúc cảm của con người mất dần đi tính tình huống thực tại, (như cái “đang là” nói theo Phật giáo), và tính cá thể, để biến thành một công cụ dùng chung tập thể. Sao không phải là của tôi, mà là của người khác? Chúng ta chuẩn bị vui nhiều hơn là hưởng thụ niềm vui đang có.

Đại dịch khốc liệt trở lại sau tròn 100 năm kể từ đại dịch cúm 1918-1919 từng tiêu diệt 50 triệu người, khiến một vài thứ mà mỗi cái tôi cần trở nên khôn ngoan và cảnh giác hơn, đó là tốc độ và đám đông. Khi hầu hết những thành phố lớn lần lượt bị bung toang, bị chốt cửa khóa cứng thời gian dài. Loài người đã ứ đầy giữa không gian bê tông và phương tiện mà thèm khát đất trời, màu xanh, thiên nhiên. Con người cảm thấy hạnh phúc hơn khi di chuyển dần ra nơi vắng vẻ cách xa chốn đông đúc. Cô đơn cũng là khái niệm đến lúc cần nghĩ lại.

“Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi/bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới/hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây/làm đọt lá trên cành xuân/làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới/làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng/làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá/tôi còn tới để khóc để cười/để ước mong để lo sợ?/hãy nhớ gọi đúng tên tôi/cho tôi giật mình tỉnh thức?“. Lời thơ của Thiền sư vừa qua đời với di nguyện khước từ bảo tháp.

Mỗi người hãy nhớ tên mình và gọi đúng tên mình.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).