Việc trở lại trường học lần này được xem như một ngày hội và đó không chỉ là sự mong đợi, niềm vui lớn đối với con trẻ mà còn với cả các phụ huynh, thầy cô giáo.
Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn không khỏi lăn tăn về việc đảm bảo an toàn khi đưa con em mình đến trường, nhất là khi các bé chưa được bảo vệ bằng hàng rào vắc xin. Đây cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý và các cơ sở giáo dục. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, chính quyền TPHCM đã triển khai các biện pháp an toàn tại trường học, từ việc chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men, nhân lực y tế sẵn sàng cho việc xử lý, chữa trị đến các biện pháp tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên và học sinh trong việc phòng chống dịch. Trước khi chính thức học trực tiếp, nhiều trường đã mở cửa sớm để học sinh làm quen với môi trường mới cũng như các cách thức chủ động bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
Trước đó, thành phố cũng đã triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến 12 và đến nay mọi việc đều an toàn, ổn định. Điều đó cho thấy khả năng rủi ro khi đưa trẻ đến trường trong thời điểm này xảy ra rất thấp. Qua đó, thành phố đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho việc tổ chức quản lý, bảo vệ trẻ khi đưa chúng đến trường.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm-Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) khuyên đừng quá lo lắng khi đưa con trẻ đến trường. “Người lớn đi chơi, đi ăn, đi du lịch, đi làm thoải mái. Trẻ em cũng đi chơi, đi ăn, đi du lịch thoải mái, vậy tại sao đi học lại lăn tăn?”, vị chuyên gia bệnh truyền nhiễm đặt vấn đề. Tuy nhiên, ông cho rằng, nên thực hiện một cung đường hai điểm đến, tức đưa trẻ đi thẳng từ nhà đến trường và ngược lại thay vì ghé dọc, ghé ngang. Đồng thời tổ chức sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ trên lớp học, từ việc ngồi học đến ăn uống hay vui chơi để khi có trẻ nào không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì tách riêng nhóm đó ra xử lý, không làm ảnh hưởng những trẻ còn lại. Chưa kể, với trẻ, bệnh sẽ rất nhẹ và chóng khỏi, vì vậy theo ông “đừng làm rối lên khi có một trẻ bị nhiễm”.
Vị chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng cho rằng, rủi ro khi trẻ đến trường, nếu có, sẽ không đáng kể so với những mối nguy mà trẻ em phải gánh chịu khi kéo dài việc học trực tuyến và “nhốt” trẻ ở nhà. Không chỉ những mối nguy trong phát triển thể chất mà còn cả với thần kinh của trẻ. Đưa trẻ đến trường không chỉ giúp giải phóng cho con trẻ mà còn giải phóng cho cả phụ huynh, song không vì thế mà phụ huynh lơ là việc bảo vệ con mình và phó thác mọi việc cho nhà trường.
Học sinh nhỏ tuổi trở lại trường học còn là thước đo về những nỗ lực, kết quả khống chế dịch của thành phố cũng như nhiều địa phương khác. Vì vậy, việc các bé trở lại trường học lần này là niềm vui kép và là tín hiệu rõ nét nhất về cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới và thật sự hồi sinh sau chuỗi ngày dài u ám.