Gói hỗ trợ F0 tại nhà đang ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19
TP - Lãnh đạo TPHCM khẳng định đã triển khai đồng loạt nhiều phương án hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại nhà nhưng thực tế người bệnh vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế.

“Đánh liều thông chốt”

Chiều 19/8, báo Tiền Phong nhận được thông tin cầu cứu của thân nhân một phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ 7. Người gọi đến khẩn thiết xin giúp đỡ là anh Nguyễn Thanh Đan vì người nhà là thai phụ Nguyễn Như Yên (SN 1997) đang lâm vào tình thế nguy cấp nhưng không nhận được sự giúp đỡ về mặt y tế. “Cô ấy sốt cao, khó thở, ho nhiều rồi ho ra máu, em sợ rằng tính mạng cả hai mẹ con sẽ nguy khốn nếu không được chuyển đến bệnh viện kịp thời”.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Tiền Phong, anh Nguyễn Tuấn Minh (SN 1996, chồng thai phụ) cho biết: Khoảng 5 ngày trước vợ em có biểu hiện ho, sốt, tình trạng diễn biến ngày càng nặng. Do đang mang thai nên cô ấy càng lo lắng và sợ hãi nên thường xuyên bị khó thở. Em đưa vợ đến trạm y tế kiểm tra được bác sĩ xét nghiệm và cho biết cả hai vợ chồng đều mắc COVID-19, họ đề nghị về nhà tự theo dõi sức khỏe”.

Chiều 19/8, Sở Y tế đã cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc điều trị F0 sắp tới, sẽ lập khoảng 400 trạm y tế lưu động để tiếp tục quản lý F0, hỗ trợ tư vấn về mặt thông tin, truyền thông, điều trị F0 tại nhà và chuyển đến bệnh viện cấp cứu để bảo đảm không có trường hợp F0 nào không được cấp cứu dẫn tới tử vong tại nhà. Mỗi trạm y tế dự kiến sẽ quản lý từ 50 đến 100 F0 với 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 3 nhân viên hỗ trợ với các trang thiết bị gồm bình oxy, máy thở, máy đo SpO2, test xét nghiệm, túi thuốc (kháng đông, kháng viêm, điều trị virus). Giai đoạn đầu hoạt động, thành phố sẽ tiếp tục nâng công suất lên 1.000 trạm y tế lưu động.

Vợ chồng anh Minh trở về nhà trọ tại số 964/11 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân với hy vọng việc cách ly tại nhà sẽ được sự hỗ trợ về mặt y tế. Hai ngày qua, thai phụ bắt đầu có biểu hiện trở nặng, người chồng liên tục gọi điện nhờ hỗ trợ y tế của địa phương và Trung tâm Cấp cứu 115 nhưng tất cả đều vô vọng “Em gọi liên tục nhưng không thấy ai nghe máy”.

Đường cùng, gia đình gọi đến báo cầu cứu. Sau đó, anh Tuấn Minh đã liên hệ với Bệnh viện Dã chiến số 13 tại huyện Bình Chánh, được bệnh viện tiếp nhận. Người chồng lại nỗ lực liên lạc với trung tâm cấp cứu nhờ hỗ trợ nhưng không được. Anh chấp nhận rủi ro, dùng xe gắn máy chở thẳng vợ đến Bệnh viện Dã chiến số 13. Tại đây, thai phụ đã được các bác sĩ cho thở oxy qua mặt nạ và đang tiếp tục theo dõi diễn tiến sức khỏe.

Một trường hợp tương tự cũng diễn ra với gia đình anh Lê Thành Nhẫn ngụ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Gia đình có 4 người thì vợ và hai đứa con nhỏ được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Trong bối cảnh các bệnh viện đều quá tải, anh đành chấp nhận phải để vợ con ở nhà cách ly, điều trị và chờ đợi sự hỗ trợ về mặt y tế. Hai đứa con nhỏ chỉ bệnh nhẹ rồi khỏi nhưng người vợ bị trở nặng, oxy trong máu chỉ còn 85%.

Anh Nhẫn cho biết: “Tôi liên tục gọi điện nhờ hỗ trợ y tế và nhờ cả người thân gọi điện, phải cả trăm cuộc gọi họ mới nghe máy. Tưởng sau khi nhận thông tin họ sẽ kịp thời có mặt nhưng càng chờ càng chẳng thấy đâu. Tôi phải đánh liều, để hai đứa con ở nhà tự chăm nhau rồi đưa vợ lên xe gắn máy, dùng vải cột cố định cô ấy vào người mình rồi chạy thẳng đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 12 giờ đêm. Giữa lúc thành phố đang cấm người dân ra đường sau 18 giờ, sự xuất hiện của tôi khiến nhiều chốt kiểm soát dịch chặn lại nhưng thấy tình trạng vợ tôi đang lịm đi thì họ vội vàng mời qua. Nếu tôi không đánh liều đưa vợ đến bệnh viện thì hôm nay chắc cô ấy đã thành tro rồi”.

Khó tiếp cận gói cứu trợ F0

Liên tiếp các cuộc họp về công tác phòng chống dịch, lãnh đạo TPHCM cho biết đã triển khai nhiều chiến lược nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân F0 cách ly, điều trị tại nhà. Ngoài lực lượng cấp cứu 115 và các trạm y tế tuyến phường xã, đến nay 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 tại nhà đã được thành lập, thành phố nỗ lực để giúp F0 tiếp cận sớm nhất với hỗ trợ y tế bằng các “túi thuốc an sinh”, đồng thời hỗ trợ túi lương thực thực phẩm an sinh để giúp người bệnh và những người có hoàn cảnh khó khăn đang phải cách ly y tế hoặc phải nghỉ việc ở nhà trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai các chương trình đang diễn ra rất chậm, nhiều người bệnh chưa thể tiếp cận được với các gói cứu trợ F0. Anh Tuấn Minh cho biết: “Vợ chồng em đã cầu nguyện để mong nhận được sự giúp đỡ, để tránh nguy hiểm cho đứa con đầu lòng nhưng càng chờ đợi càng cầu cứu thì càng vô vọng”.

Bên cạnh nỗi lo về tình trạng bệnh của vợ con, anh Nhẫn cũng đang đối mặt với những khó khăn về tài chính. “Mấy tháng nay vợ chồng đều thất nghiệp lại đang phải ở nhà trọ, tiền bạc tích cóp đã cạn. Túi thuốc an sinh thì chưa thấy, túi cứu trợ thực phẩm an sinh cũng chẳng thấy đâu. Gia đình tôi đã được phường thống kê vào danh sách những người được hỗ trợ, nhưng đến hôm nay (19/8) gói cứu trợ F0 của thành phố vẫn còn trên tivi. Chúng tôi biết cả thành phố đang phải căng mình chống dịch nhưng mọi kế hoạch triển khai cứu giúp cần sâu sát hơn, chúng tôi không chỉ đối mặt với rủi ro bệnh tật mà đang đối mặt với cả nguy cơ đói khát”.

Chiều 19/8, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong về người dân vẫn khó khăn để tiếp cận gói cứu trợ F0, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ F0 tại nhà cho biết: “Mấy ngày vừa qua, hệ thống y tế đã đầu tư rất lớn về việc chăm sóc, quản lý, điều trị F0 nhằm bảo đảm an toàn cho F0 đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ thiết lập cơ bản được việc quản lý, nắm danh sách F0 hỗ trợ tư vấn còn việc điều trị và cấp cứu tại nhà chưa triển khai kịp”.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.