Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhìn từ cơ sở, bài cuối:

Gỡ nút thắt từ công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ cơ sở từng bước được chuẩn hóa, năng động trong công việc, nhưng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ còn bộc lộ những hạn chế về ý thức trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự hẫng hụt về nguồn cán bộ, về chế độ, chính sách hưởng thụ.

Báo động thiếu hụt nguồn cán bộ

Tình trạng hẫng hụt nguồn cán bộ cơ sở là đáng báo động ở nhiều cơ sở Đảng trong cả nước. Ví dụ, một đảng bộ có phong trào khá thuộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), xây dựng quy hoạch 13 chức danh thì 2 chức danh Xã đội trưởng và Bí thư đoàn xã phải bỏ trống vì không có nguồn, còn 11 người đủ tuổi và bằng cấp (chưa tính đến năng lực và sự tín nhiệm) để đưa vào quy hoạch các chức danh còn lại, nhưng đến nhiệm kỳ từ 2030 về sau chỉ còn ba trường hợp đủ tuổi cơ cấu.

Gỡ nút thắt từ công tác cán bộ ảnh 1

Lãnh đạo huyện Hương Sơn thăm một mô hình chăn nuôi

Thực trạng này khá phổ biến ở các xã sáp nhập 2-3 đơn vị làm một, nhiệm kỳ trước mắt có thể đủ nguồn, nhưng các nhiệm kỳ tới sẽ hẫng hụt đến mức báo động về nguồn cán bộ thay thế. Vì khi sáp nhập có thể 1 chức danh có 2-3 cán bộ đảm nhận, có cán bộ được nghỉ hưu hoặc nghỉ trước tuổi, mặc dù được đào tạo và có năng lực nhưng không còn định biên. Số được bố trí (từ cấp trưởng xuống cấp phó hoặc xếp ngang vai), tuổi sàn sàn như nhau, hết nhiệm kỳ thì hầu hết không còn tuổi cơ cấu. Số đã nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế thì không thể trở lại, dù còn trẻ và được đào tạo.

Đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố 2/3 ở độ tuổi trên 60, phần lớn là về hưu, nghỉ việc cấp xã về làm thôn. Tuy có ít kinh nghiệm nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu, hạn chế về công nghệ thông tin nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc. Phần lớn số cán bộ này không muốn làm nhưng bị “ép” phải làm. Có những trường hợp đã làm 3 nhiệm kỳ vẫn không tìm được người thay thế, dẫn đến “cắt phiên, gọi lượt”. Còn số người trẻ làm một thời gian rồi tìm cách tháo lui, vì làm mãi ở thôn không trưởng thành lên xã được.

Gỡ nút thắt từ công tác cán bộ ảnh 2

Mô hình làm nước mắm sử dụng năng lượng mặt trời ở HTX Thiên Phú

Nhiều cán bộ cơ sở cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do công tác cán bộ hiện nay đang khép kín, đứt gãy, thiếu liên thông giữa các loại hình cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách và bán chuyên trách; giữa cán bộ xã và thôn, tổ dân phố nên không có nguồn bổ sung; nhiều trí thức được đào tạo cơ bản, chưa có việc làm; trong số đó muốn góp phần xây dựng quê hương nhưng làm tốt mấy chỉ dừng lại là cán bộ thôn, dẫn đến thiếu động lực để phấn đấu. Số cán bộ là công chức nhà nước đã an bài trong “cần câu cơm” rồi thì không muốn đưa vào diện quy hoạch, thông qua bầu bán không an toàn.

Việc hẫng hụt nguồn cán bộ cơ sở đã thấy rõ, nhưng chưa nhìn thấy hướng giải quyết, nhất là nhiệm kỳ từ 2030 trở đi sẽ cạn nguồn. Số cán bộ còn trẻ, được đào tạo cơ bản nhưng dôi dư sau sáp nhập, liệu có phương án nào để giữ lại số cán bộ này?

Cần chế độ đãi ngộ tương xứng

Trong chính sách cán bộ, mặc dầu đã có đổi mới, chế độ đãi ngộ đã được cải thiện hơn nhiều, nhưng đội ngũ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến xã, phường còn nhiều băn khoăn. Chế độ lương, phụ cấp chưa tương xứng với sức lao động. Có những việc do quá cứng nhắc về tinh giản biên chế nên gò bó trong bố trí con người, có việc trái với Điều lệ của Đảng và Điều lệ các tổ chức đoàn thể.

Gỡ nút thắt từ công tác cán bộ ảnh 3

Hội nghị của đội ngũ Bí thư, Trưởng thôn và cán bộ cơ sở với lãnh đạo huyện Lộc Hà

Vấn đề khoán 8 nhóm việc ở thôn xóm, trong đó có phụ cấp cho 5 đoàn thể, nếu bố trí 1 người thì mỗi tháng 330 ngàn, nếu bố trí 2 người thì mỗi tháng 160 ngàn đồng nên rất khó tìm người làm việc, trong khi áp lực công việc ở thôn xóm rất nặng nề như thiên tai bão lụt, dịch bệnh, an ninh. Ông Nguyễn Viết Thân là cán bộ xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ), sau khi nghỉ hưu được bầu làm Bí thư Chi bộ Bình Tân tâm sự: “Là một xã có nghề truyền thống nên lớp trẻ lo làm kinh tế thu nhập cao, quá bí bách phải tìm đến cán bộ già như chúng tôi. Tuổi cao, năng lực hạn chế nên tâm lý không muốn làm, đến kỳ đại hội nhiều người tìm cách đi ở cùng con, cháu để tránh bị giao việc. Phụ cấp cán bộ thôn, tổ dân phố mỗi tháng chỉ bằng 5 ngày công làm phụ nề hoặc lao động thủ công.

Càng khép kín trong công tác cán bộ thì càng cạn nguồn và không tạo được động lực để cán bộ rèn luyện phấn đấu. Nếu có chính sách liên thông, biết đâu một số trí thức trẻ về cơ sở hôm nay, dăm bảy năm sau là những cán bộ chủ trì chững chạc ở các cấp.

Ông Lê Đăng Liệu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Thạch Long (huyện Thạch Hà), sau khi nghỉ hưu được bầu làm Bí thư Chi bộ đã 3 nhiệm kỳ vẫn chưa tìm được người thay thế. Ông cho biết lương Bí thư, thôn trưởng mỗi tháng gần 2,5 triệu, nhưng phải san bớt cho cán bộ đoàn thể để có thêm người cùng gánh vác. “Chủ trương khoán việc tháng 20 triệu cho 5 đoàn thể là không hợp lý, cấp trên chưa thấu hiểu hết vai trò không thể thiếu và sự gian truân vất vả của đội ngũ cán bộ đoàn thể ở thôn, khối phố trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương”.

Tâm tư về chế độ đãi ngộ không chỉ dừng lại ở thôn xóm, mà cả đội ngũ cán bộ xã. Nhiều cán bộ tâm sự: Lương Bí thư, Chủ tịch xã tháng trên 6 triệu đồng, không đủ hiếu hỷ bà con làng xóm, trong khi áp lực công việc lớn. Nếu không có hậu phương vững chắc, vợ con không thấu hiểu thì khó an tâm làm việc. “Trước đây Đảng bộ chỉ có trên 200 đảng viên, phân bổ ngân sách hàng năm là 85 triệu đồng, nay 3 đảng bộ sáp nhập làm một, số lượng đảng viên gấp 3-4 lần, nhưng ngân sách cũng phân bổ ở mức như cũ nên rất bất cập trong triển khai các nhiệm vụ công tác Đảng” - ông Trần Lê, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc nói.

Những vấn đề được đề cập chỉ có thể được tháo gỡ ở tầm vĩ mô. Đảng viên cơ sở mong muốn Đảng và Nhà nước cần khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, bất cập trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, mô hình tổ chức, chế độ trách nhiệm và phương thức lãnh đạo để ban hành những quyết sách, giải pháp, chế tài đúng đắn, đồng bộ và kịp thời.

MỚI - NÓNG
4 MC dẫn điểm cầu chung kết Olympia, Phú Yên thay đổi phút chót
4 MC dẫn điểm cầu chung kết Olympia, Phú Yên thay đổi phút chót
TPO - Cầm trịch bốn điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 đều là những MC quen thuộc của VTV. Các điểm cầu được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố là quê hương của những “nhà leo núi”, tuy nhiên BTC đã thay đổi địa điểm sân khấu ở Phú Yên phút chót vì thời tiết xấu.