'Gỡ' điểm nghẽn cho Hành lang kinh tế Đông - Tây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 4/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào chuỗi dịch vụ logictics trên hành lang này.

Phát triển hạ tầng chưa đồng bộ

Được khởi xướng từ năm 1998 với chiều dài 1.450 km, Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đi qua 4 quốc gia, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar, qua Thái Lan, Lào và kết thúc tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Tuyến hành lang này được kỳ vọng tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy kết nối thương mại xuyên biên giới.

Sau gần 25 năm hình thành, Hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa phát triển như kì vọng.

Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sau gần 25 năm hình thành, Hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa được các quốc gia quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự. “Hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển. Quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển”, ông Sơn đánh giá.

'Gỡ' điểm nghẽn cho Hành lang kinh tế Đông - Tây ảnh 1

Cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây

Ông Dương Tiến Lâm (đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng) cho hay, thực tế hoạt động logistics trên tuyến hành lang này chưa hiệu quả. Hiện chỉ có 2 tuyến vận tải thường xuyên, đó là chặng Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam)- Đông Hà và chặng Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam)- Đông Hà-Đà Nẵng.

“Một lô hàng đi từ Đà Nẵng đến Yangoon (Myanmar) mất tới 28 ngày, điều này làm giảm giá trị hàng hóa và sức cạnh tranh. Nguyên nhân chính là thời gian để làm thủ tục, vận chuyển hàng hóa còn quá lâu. Quy định tờ khai hải quan ở mỗi quốc gia mỗi khác, chưa áp dụng được tờ khai hải quan chung của ASEAN”, ông Lâm cho hay.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đánh giá tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây có nhiều rào cản, điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng. Kết nối từ Myanmar về đến Lào và Việt Nam có hạ tầng không đồng bộ, dẫn đến việc khai thác vận tải bị đứt đoạn, chi phí vận tải logistics rất cao.

“Hiện, hệ thống vận tải của Thái Lan khác với tiêu chuẩn của Lào, Việt Nam. Như vậy, phải có cải cách về chính sách để xây dựng các hiệp định vận tải thuận lợi, làm sao để qua các cửa khẩu không phải nâng container lên rồi chuyển xuống xe của nước thứ 2. Nếu cứ liên tục như thế, chi phí logistics rõ ràng phải tăng”, ông Chung nói.

Cần chính sách đột phá

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) kiến nghị cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng cần phát triển được một số doanh nghiệp logistics chủ lực tại khu vực, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại.

“Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cần hỗ trợ các địa phương nằm trên EWEC nâng cao năng lực cán bộ về quản lý dịch vụ logistics; xây dựng chính sách hỗ trợ triển khai một số hoạt động phát triển logistics”, ông Tiến nói.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển. “Đối với Đà Nẵng - điểm cuối của tuyến hành lang, phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.