Hành lang cho phát triển kinh tế biển

Ngư dân vững tâm vươn khơi nhờ hành lang pháp lý của Luật Biển Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huy
Ngư dân vững tâm vươn khơi nhờ hành lang pháp lý của Luật Biển Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Theo các chuyên gia, nhà quản lý, Luật Biển Việt Nam (có hiệu lực từ 1-1-2013) là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, bảo vệ chủ quyền, tạo hành lang phát triển kinh tế biển và tâm thế vững vàng vươn khơi cho hàng triệu ngư dân.

> Thông qua Luật Biển là hoạt động lập pháp bình thường

Sẽ vững tâm

Theo các chuyên gia, Việt Nam có chiến lược phát triển về biển đến năm 2020, cùng với đó là các giải pháp, cơ sở pháp lý thực thi. Luật Biển đóng vai trò trục pháp lý quan trọng, giải quyết các vấn đề liên quan; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho hay, Việt Nam hiện có 500 HTX thủy sản cùng 4.200 tổ đội khai thác thủy sản trên toàn quốc với trên 25.000 tàu thuyền, 5 triệu ngư dân.

Hoạt động ra khơi của ngư dân ngày càng có quy mô, tổ chức, nên việc ra đời cơ sở pháp lý như Luật Biển sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, phát triển bền vững hoạt động này.

Ông Võ Văn Năm, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam, nhận định: Luật Biển là đòi hỏi thực tế của một quốc gia nhiều tiềm năng, thế mạnh biển như Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển tổng thể về kinh tế biển, khai thác và quy định các phạm vi ở góc độ tổng thể, bao quát và thống nhất.

Ông Hồ Phó, Phó GĐ Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho rằng, việc xây dựng và thông qua Luật Biển là cần thiết và tất yếu để đảm bảo an ninh trật tự, ổn định cho các hoạt động kinh tế trên vùng biển.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, tỉnh này có gần 50% trong tổng số 5.600 tàu thuyền (với khoảng 40.000 lao động) thường xuyên đánh bắt xa bờ. Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền gặp nạn, rủi ro trên biển gia tăng.

Từ năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 400 tàu bị chìm, gần 150 tàu hư hỏng, khiến 115 người chết và 38 người bị thương vì thiên tai. Đặc biệt, có hơn 150 tàu với hơn 1.100 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vô lý tại các vùng biển Việt Nam.

Từ đầu năm 2012, tỉnh có 6 tàu và 70 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, đòi tiền nộp phạt, kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống ngư dân và hoạt động khai thác trên biển.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi hy vọng sự ra đời kịp thời của Luật Biển sẽ đảm bảo các hoạt động khai thác, phát triển kinh tế biển và ổn định tình hình đánh bắt của ngư dân.

“Có luật pháp bảo vệ, chắc chắn ngư dân vươn khơi vững tâm hơn. Bà con ngư dân hy vọng Luật Biển này sẽ giảm bớt rủi ro do bị trấn áp, bắt bớ vô lý và xử lý triệt để các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chúng tôi cũng xác định rõ hơn vai trò, nghĩa vụ, và quyền lợi của mình”, ngư dân Huỳnh Em (Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 98159TS, nói trước giờ ra khơi từ âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).

Phù hợp luật pháp quốc tế

Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), nhận định: Việc Quốc hội thông qua Luật Biển không chỉ là đòi hỏi của thực tiễn mà hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.

Năm 1994, Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển làm rõ các mối quan hệ pháp lý để tạo hành lang cho những cơ sở pháp lý khác.

“Việc thông qua Luật Biển là cần thiết và cá nhân tôi cho rằng đến nay Việt Nam mới có Luật Biển là hơi muộn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, Việt Nam lại nằm ở cửa ngõ giao lưu thương mại quốc tế trên biển…, Luật Biển góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải, phục vụ việc sử dụng quản lý, bảo vệ các cùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và xác định rõ phạm vi, lãnh hải của mình”, luật sư Pháp nói.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, trong buổi giao lưu với độc giả Đà Nẵng (ngày 24-6), cho rằng với đất nước có bờ biển dài như chúng ta việc có Luật Biển là đương nhiên. Đây là quyền, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên cả đất liền và bờ biển của một quốc gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG