Sẻ chia và cảm hóa
Năm 2015, khoác ba lô vào quân ngũ cùng lời hẹn thề với người bạn gái ra quân sẽ làm lễ cưới, trung sĩ H.V.B(ở Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5) chăm chỉ, có đồng phụ cấp nào cũng dành dụm để làm vốn cưới vợ. Tuy nhiên, một thời gian sau, B.bị sốc khi nhận được tin bạn gái sắp lấy chồng và có thai với chính bạn thân của mình. Từ một thanh niên luôn sống tích cực, B. chán nản, bất cần và muốn trốn về để giải quyết vụ việc. Sau khi nắm bắt được, Tổ tư vấn đơn vị đã kịp thời giúp B. ổn định tinh thần và xác định đúng đắn tương lai phía trước.
Tại một đại đội thuộc Trung đoàn 95, có một số quân nhân trẻ hút bồ đà. Vào ngày nghỉ, những người này nhờ bạn đến thăm mua bồ đà rồi lén lút sử dụng. Khi bị đơn vị phát hiện và chấn chỉnh, tất cả đều ăn năn, hối hận. Riêng có quân nhân L.Đ.H xấu hổ, chán nản nên muốn đào ngũ. Trước sự việc trên, Tổ tư vấn nhanh chóng tiếp cận, động viên, chỉ ra cho H. thấy được sai lầm của tuổi trẻ cũng như trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc. “Gần đèn thì rạng”, ít lâu sau, H. và nhóm bạn đồng ngũ đã chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự tại đơn vị…
Ra đời từ năm 2012, đến nay, mô hình điểm “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” của Sư đoàn 2 đã có 102 Tổ tư vấn từ cấp đại đội trở lên, mỗi tổ có từ 3-7 thành viên. Mô hình này nhằm hạn chế vi phạm kỷ luật của quân nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống, vướng mắc về tư tưởng nhưng không được giải quyết kịp thời. Lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của đồng đội, các Tổ tư vấn đã động viên, tư vấn hiệu quả những vướng mắc cho gần 15 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn 27 trường hợp đột biến về tư tưởng, kém hiểu biết về pháp luật, có nguy cơ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng như đào bỏ ngũ, trộm cắp hoặc có ý định tự tử do chuyện gia đình.
Dìu dắt đàn em, lan tỏa cộng đồng
Đóng quân trên vùng biên giới tiếp giáp Campuchia, thấu hiểu những khó nhọc và thiệt thòi của người dân tộc M’Nông, những người lính Đồn Biên phòng Tuy Đức (Bộ đội Biên phòng Đắk Nông) đã thực hiện mô hình “Tiết học vùng biên” đầy ý nghĩa.
Để tuyên truyền, PBGDPL vùng biên giới cho bà con nhân dân mà nòng cốt là các em học sinh thuộc dân tộc M’Nông, Đồn Biên phòng Tuy Đức phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT và Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tuy Đức tổ chức các lớp học được bố trí ngay cạnh những cột mốc biên giới, với thầy giáo đứng lớp là những chiến sĩ Biên phòng. Ba năm qua, đều đặn mỗi tháng một buổi, các em học sinh trên địa bàn lại được học giờ ngoại khóa “Tiết học vùng biên” để cập nhật thêm những kiến thức hữu ích về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên, các kỹ năng nhận biết vùng cấm, đường biên, cột mốc biên giới và những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới. Qua đó, các em tiếp tục về truyền đạt lại cho người thân và bà con trong buôn làng, từ đó giảm thiểu và hạn chế hoạt động tự do qua lại khu vực biên giới trái pháp luật.
Trên hướng biển đảo, từ năm 2013 đến nay, mô hình “Em yêu biển đảo quê hương” của lực lượng Cảnh sát biển được tổ chức tại 19 tỉnh, thành, với sự tham gia của 49 trường THCS, gần 1.300 lượt cán bộ, ĐVTN Cảnh sát biển, 4.000 lượt học sinh và trên 40 nghìn lượt cán bộ, giáo viên và bà con nhân dân. Tại các cuộc thi, các đơn vị Cảnh sát biển đã kết hợp phát 20 nghìn tờ rơi, trao tặng 1.700 lá cờ Tổ quốc, 1.500 áo cờ đỏ sao vàng và các phần quà ý nghĩa tặng các em học sinh nghèo học giỏi, gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng trị giá trên 4,6 tỷ đồng.
Không chỉ tạo môi trường để cán bộ, ĐVTN học tập, rèn luyện kỹ năng PBGDPL, mô hình đã thực sự làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo và kiến thức phòng, chống ma tuý, bạo lực học đường, tạo ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa lớn trong nhân dân và trở thành “thương hiệu” của tuổi trẻ Cảnh sát biển. Năm 2019, mô hình được T.Ư Đoàn công nhận là Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc.
Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, để tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên Quân đội, 3 năm qua, các tổ chức Đoàn trong toàn quân đã tổ chức hơn 20 nghìn hội thi, tọa đàm, trao đổi, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa. Trong 3 năm qua, có 99,89% cán bộ, ĐVTN chấp hành nghiêm kỷ luật; 90,41% tổ chức Đoàn đạt vững mạnh.
“Mục tiêu của Đề án tăng cường công tác PBGDPL là tạo cho cán bộ, ĐVTN trong Quân đội có nhận thức đúng về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật. Từ nhận thức đúng sẽ có những hành động đúng đắn và lan tỏa những việc làm tốt trong môi trường Quân đội và toàn xã hội”.
Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội