Giữ tiếng chiêng buôn Kon Wang

A Siu hướng dẫn thao tác đánh chiêng cho các em nhỏ
A Siu hướng dẫn thao tác đánh chiêng cho các em nhỏ
TP - Băng qua cánh đồng Ea Yiêng hạ, chúng tôi đến buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, gặp chàng trai đánh chiêng giỏi nhất tên A Bliêt, buôn làng thường gọi là A Siu.
A Siu hướng dẫn thao tác đánh chiêng cho các em nhỏ
A Siu hướng dẫn thao tác đánh chiêng cho các em nhỏ.

Hồn chiêng trẻ

Tiếp chúng tôi giữa gian nhà bếp ọp ẹp che chắn bằng tre nứa, lợp tranh, A Siu kể: "Lúc 8 tuổi mình đã theo cha đuổi chim trên rẫy và được nghe cha dạy học đánh đàn T'Rưng, từ đó mình mê âm nhạc dân tộc và học nhiều nhạc cụ, trong đó có đánh chiêng…"

Nghe chúng tôi hỏi về cách đánh chiêng của người Xê Đăng, A Siu vào nhà mang ra 3 cái chiêng to, biểu diễn. A Siu hướng dẫn cho chúng tôi xem cách đeo chiêng, cồng, giữ chiêng chặt không bị xê dịch để thực hiện đánh chiêng. Anh nói : "Chiêng Xê Đăng có 6 nốt chuẩn, học đánh chiêng khó nhất là định âm. Mình chủ yếu học theo người già vì họ hiểu về âm, đánh chuẩn nhạc điệu".

Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Xê Đăng.

Đam mê văn hóa truyền thống, A Siu tham dự nhiều cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh, từng đạt nhiều giải qua các cuộc thi hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng trong Ngày hội Văn hóa thể thao huyện Krông Pắk lần thứ II; Huy chương Bạc hát đối đáp "Khai máng nước" năm 2002 do Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk tổ chức; nhiều giấy giấy khen do tỉnh và huyện trao tặng với các bài dân ca "Anh thương em", "Về buôn mới"…

Hiện nay, A Siu đang dạy cách đánh chiêng cho 2 đội chiêng thanh, thiếu nhi của xã, mỗi đội 14 thành viên.

Theo người muôn năm cũ

"Khi người lớn đi lên rẫy để trỉa cây lúa, cây ngô thì đám trẻ ở nhà mang chiêng (chêng, chinh), cồng (goong, coong) ra tập đánh. Đơn giản thế thôi mà thanh niên có sân chơi, cơ hội giao lưu giữa pôlê (Pôlê tiếng Xê Đăng là buôn, làng) này với pôlê kia.

Ngày xưa người già đánh chiêng nghe du dương hay lắm, bây giờ mai một nhiều rồi, vì người đánh hay, đánh giỏi dần đi theo tổ tiên hết, lớp trẻ không được truyền đạt nên khó giữ văn hóa truyền thống! " - A Siu tâm sự.

Chàng trai Xê Đăng ngước mắt nhìn ra xa, chỉ ngọn đồi cao mà bà con trong pôlê thường gọi là Cư Kris, kể: "Từ năm 1992 trở về trước, nguồn nước nuôi sống dân làng có từ Cư Kris kia, máng nước cũng làm từ đó để dẫn nước về pôlê này, giờ đây không còn máng nước nữa nên cũng không có lễ cúng máng nước nữa rồi…".

Cha của A Siu, già A Sum, năm nay đã 83 tuổi, bùi ngùi chia sẻ: "Tôi già rồi, muốn truyền đạt lại cho lũ trẻ lắm, nhưng bọn nó không mê cái chiêng nữa, giờ chúng nó thích nhảy, thích được chơi đàn như trên cái ti vi nhiều hơn… Khi còn là thanh niên, già không chỉ đánh chiêng mà còn biết chơi nhiều nhạc cụ khác, như đàn Tin ning, đàn T'Rưng… và còn biết chế tác nhạc cụ nữa. Giờ ở cái pôlê này không có ai như già nữa...”

Kpă Y Khoa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG