Đề cập vấn đề “chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, nói: “Chúng ta thử hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0,000001% oan sai thì mình nghĩ thế nào”. Theo ông Nhưỡng, nếu không khắc phục tình trạng này thì rất nguy hiểm. Công lý là thứ gì đó vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo. Làm sao có tỷ lệ công lý được. Cho nên tôi đề nghị hết sức lưu ý vấn đề này”, ông Nhưỡng nói.
Phó trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ băn khoăn về những tồn tại của các cuộc làm việc liên ngành giữa các cơ quan tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và cho rằng nên khắc phục để bảo đảm tính độc lập tư pháp. ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, việc phối hợp liên ngành trước tiên là để thống nhất về nhận thức pháp luật, đưa ra những quan điểm xử lý đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong xử lý một vụ việc. “Phối hợp ở đây không có nghĩa là chúng ta đã đưa ra những quy định làm giảm đi tính độc lập của việc xét xử và trong thực tế hiện nay vẫn tốt và đúng với nguyên tắc cơ chế nhà nước độc lập, phân công, phân quyền nhưng có phối hợp”, ông Hồng nói.
Khẳng định “không có chỉ tiêu oan sai, chỉ có chỉ tiêu án hủy, án sửa”, ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội, cho biết, những vụ án phải họp liên ngành đều là những vụ án phức tạp, khó. Họp liên ngành để nếu không đủ tình tiết buộc tội thì phải điều chỉnh, chứ không phải để bàn nhau thống nhất truy tố, xét xử, ông nói.
Công lý không phải là đối tượng mua bán
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), những tư tưởng và quan điểm tiến bộ của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa trong các đạo luật có liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động điều tra, xét xử cho thấy, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa chưa được áp dụng triệt để. “Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố và thẩm phán, mà không phải bằng các chứng cứ và luận cứ khách quan, khoa học, khiến cho có những bản án tuy là có khẩu phục nhưng mà không có tâm phục”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, có nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, theo luật định là những người chưa có tội, nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn là khi thi hành án. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử đi nữa cũng là khuyết điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng. “Khi người dân bị bắt nạt, lừa đảo, xâm hại, họ chờ đợi Nhà nước và trực tiếp là các cơ quan tố tụng khôi phục công bằng cho họ, nghĩa là ban hành một quyết định, phán quyết dựa trên công lý”, ông Nghĩa nói. Theo ông, muốn có công bằng, phải có công lý vì công bằng phải được bảo đảm bằng công lý và đó là nhiệm vụ chủ yếu của tư pháp.
Ông Nghĩa cho rằng, muốn giữ được liêm chính phải dưỡng liêm, mà cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất là cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của các cá nhân. Nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội. “Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đối xử tương xứng cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì tôi tin rằng cử tri và nhân dân sẽ có được điều họ luôn mong ước là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ dù họ giàu hay nghèo. Và công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán...”, ông Nghĩa nói.