Giọt nước tràn ly

Giọt nước tràn ly
TP - Nếu nhìn vào tổng thể lĩnh vực thủy đien ở Việt Nam sẽ thấy những bức bối ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chỉ như giọt nước tràn ly, làm nổi lên nỗi lo lớn mà lâu nay dư luận nói nhiều nhưng hầu như không thấy thay đổi.

> Cần thuê giám sát độc lập nước ngoài

Ai cũng biết làm thủy điện có lãi, và còn lãi lớn trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Nhưng cũng bởi cái lãi ấy mà thủy điện đã mọc lên như nấm sau mưa. Có tỉnh đếm được 80 nhà máy thủy điện lớn nhỏ.

Đầu tư tràn lan không tính đến chiến lược tổng thể, không có sự cân bằng giữa các nhóm lợi ích đã khiến thủy điện gây ra lắm hệ lụy. Phát triển thủy điện không tính đến đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố khiến cho thiên nhiên, môi trường, con người phải đánh đổi quá nhiều.

Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), giờ đây, nói đến phát triển thủy điện bền vững ở Việt Nam phải chăng là quá muộn?

Đập Sông Tranh 2 phản ánh phần nào những tồn tại trong thiết kế, thi công, vận hành một công trình. Một thành viên của VRN bảo cứ nơi đâu có thủy điện là ở đó có vấn đề.

Có đến tận nơi các công trình thủy điện mới thấy nhiều làng xã bị xóa sổ vì thủy điện, vấn đề tái định cư gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo tăng, hàng trăm ngàn ha rừng bị phá, đất bị xói mòn, hệ sinh thái bị mất cân bằng, ảnh hướng đến văn hóa, lối sống.

Bên cạnh những hệ lụy nhỡn tiền ấy, còn nhiều nguy cơ khó lường khác mà chỉ thời gian mới trả lời được. Có nhà khoa học than thở nếu cứ phát triển thủy điện ào ạt thế này thì có ngày Việt Nam phải nhập khẩu nước từ quốc gia khác.

Một thực tế đang tồn tại là hệ thống hành lang pháp lý không theo kịp thực tế phát triển của ngành thủy điện. Nhiều phản biện khoa học bị xem nhẹ. Các khiếm khuyết ấy đang dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đã đến lúc phải nhìn lại thủy điện một cách toàn diện chứ không chỉ từ góc độ kiếm tiền qua hầu bao của nhà đầu tư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG