> Mú con mang kinh tế về xóm biển
70 triệu USD đã được đầu tư vào Tuy Phong để biến năng lượng gió thành điện. |
“Chạy gió” cái từ nghe là lạ, nhưng lại là câu chuyện thật. Cụ Nguyễn Văn Tình, 80 tuổi, ở thị trấn Liên Hương kể: Trước kia, nơi này còn là vùng đất hoang sơ, nhà xây, cây cối, ruộng vườn thưa thớt. Đất trống trải dài, nhưng trồng được thứ để ăn không dễ dàng gì. Lúa, ngô, xoài, mận...vừa mới đơm hoa, kết trái đã bị gió cứ đánh tả tơi, rụng lả tả.
Một năm cuồng phong quần quật đến 6-7 tháng, đất trời mù mịt trong cơn cát bụi. Bữa cơm gia đình dọn ra, ai cũng ăn lấy ăn để, chậm thì cát bụi bay vào cơm, canh, thậm chí là gió hất đổ. Những ngày trời nổi cơn thịnh nộ, cửa nhà ai cũng đóng kín như vắng chủ, còn người ra đồng, kẻ lên nương bị gió đẩy, gió xô.
Thời ấy, không có hồ, đập thủy lợi như bây giờ nên nông nghiệp làm ăn thất bát vì cậy nước trời. Ngư nghiệp cũng trầy trật, ghe thuyền nháo nhào tìm nơi tránh gió. Con người lam lũ cả 360 ngày, có 3 ngày Tết để đi thăm hỏi, chúc mừng họ hàng, người thân nhưng cũng không mấy người dám ló mặt ra đường.
Tôi nhớ, khi còn công tác ở Tuy Phong, ông Ngô Minh Chính, Bí thư Huyện ủy đã nói: “Gió ở Tuy Phong là...gió đẻ ra tiền”. Thay bằng chạy gió như trước kia, giờ người dân Tuy Phong lại hồ hởi...đón gió.
Minh chứng rõ ràng khi 20 tua-bin gió loại FL MD-77 (Fuhrlaender của Đức) có công suất 1,5 MW/tổ máy, đường kính cánh quạt 77 m gắn trên cột tháp cao 85 m mọc lên trên đất Tuy Phong.
Đây là dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á khởi công từ năm 2008 do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư theo hình thức B.O.O (xây dựng - kinh doanh - sở hữu), với tổng vốn 70 triệu USD. Và, điện từ các tua-bin này đã kết nối vào lưới điện quốc gia (cấp 110 kV), cung cấp khoảng 85 triệu kWh điện và giảm phát thải 58.000 tấn CO2/năm.
Toàn bộ dự án hoàn thành sẽ có 80 tua-bin, với tổng công suất 120MW xây dựng trong một quần thể kiến trúc độc đáo và thoáng đãng, đẹp mắt.
Ông Nguyễn Đức Thứ, Tổng Giám đốc (REVN) cho rằng, sử dụng nguồn năng lượng gió sẽ giảm thiếu hụt điện quốc gia, mặt khác, phát triển điện gió sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Trong quá trình triển khai dự án, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương, địa phương quan tâm, thường xuyên đến thăm công trình.
Ngày 18-4-2012, tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc đưa nhà máy phong điện 1-Bình Thuận vào hoạt động là bước khởi đầu quan trọng trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, không chỉ có ý nghĩa to lớn về vấn đề môi trường, về Nghị định thư Kyoto mà còn phát huy nội lực của đất nước. Cần tiếp tục nghiên cứu khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của nước ta về phong điện.
Mới đây, đến thăm dự án Phong điện, gặp mấy cụ già đứng nhìn hàng quạt gió 20 chiếc quay vù vù giữa không trung. “Tổ tiên dòng họ tôi mấy đời sống trên mảnh đất này, khổ sở vì gió, giờ lại thấy vui vì gió”- một cụ già phấn khởi cho biết. Các cụ bảo vui vì thiên nhiên đã quy phục con người, cái bất lợi nay thành cái có lợi.