Giáo viên Ngữ văn: Không nên xem, tin vào bói đề vì... rất nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ còn một ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School chia sẻ một số lưu ý cần ôn thi trong thời điểm “giờ G” cũng như việc có nên tin vào việc “bói đề” với môn Ngữ văn.

Giáo viên này cho rằng, thời điểm này là giai đoạn các em cần sự bình tĩnh, giữ tâm thế thoải mái, tự tin.

Yêu cầu chung về kiến thức kĩ năng

Thứ nhất, các em cần nắm rõ kĩ năng làm bài, kĩ năng trả lời từng loại/kiểu câu hỏi. Khi nắm chắc kĩ năng, phần trả lời câu hỏi của các em sẽ đảm bảo trúng trọng tâm, đúng, đủ ý.

Thứ hai, các em cần tổng hợp lại các phạm trù, các vấn đề có thể ra trong phần viết đoạn Nghị luận xã hội, rà soát hệ thống ý, dẫn chứng có thể xuất hiện cho từng loại phạm trù/vấn đề.

Thứ ba: Rà soát kiến thức cơ bản, trọng tâm của các tác phẩm văn học trong chương trình. Giai đoạn này không đặt nặng việc tìm tòi những cách diễn đạt mới lạ, công phu, những ý mở rộng nâng cao (điều này các em cần tích lũy trong năm học).

Các em có thể mở sách, vở ghi, lật từng từng bài, điểm lại trong đầu hoặc gạch ra giấy giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật, phong cách nhà văn được thể hiện trong tác phẩm. Thêm nữa, các em có thể dự đoán và chuẩn bị trước phần “yêu cầu phụ” có thể xuất hiện trong đề (khi giảng bài, các Thầy cô giáo hẳn đã khơi gợi và hướng dẫn).

Chuẩn bị trước ở đây nghĩa là các em phác thảo, thậm chí có thể luyện viết dưới dạng một đoạn hoàn chỉnh để khi vào phòng thi ta hoàn toàn chủ động, nhạy bén hơn trong viết bài, đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ tư: Khi nhận đề thi cần đọc kĩ yêu cầu của đề, gạch chân từ khóa, xác lập ý ngắn gọn ra tờ nháp sau đó mới viết vào bài thi.

Về từng phần của bài thi, cô Thủy cho rằng, ở phần đọc hiểu, các thí sinh cần đọc kĩ ngữ liệu, đọc kĩ câu hỏi, xác định đúng yêu cầu của câu hỏi.

Với câu trả lời cần đầy đủ, không cụt lủn. Ví dụ: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là….; Tác giả cho rằng …… vì ….

Câu 3, 4 thường là câu 0.75 hoặc 1 điểm, trả lời trong khoảng 5 -10 dòng, trả lời đúng, trúng, đủ, sâu sắc, trọn vẹn.

Dạng câu hỏi: hiểu như thế nào thì thí sinh cần giải thích cũng như nêu ngắn gọn nhận thức của bản thân (thông điệp mà tác giả gửi gắm).

Với phần nghị luận xã hội

Cô Đình Thị Thủy lưu ý với thí sinh cần đọc kĩ yêu cầu của đề, xác định trọng tâm vấn đề, gạch hệ thống ý cần triển khai ra giấy nháp trước khi viết.

Theo đó, mở đoạn phải nêu được vấn đề nghị luận. Với thân đoạn phải đủ giải thích – phân tích -bàn luận (phê phán hoặc ngợi ca; tính 2 mặt).

Ở kết đoạn, bài học (phải có đủ nhận thức và hành động).

Cô Thủy cũng lưu ý thí sinh, đọc kĩ yêu cầu của đề để phân tích, bàn luận tập trung vào vấn đề trọng tâm.

Luôn có dẫn chứng cho phần phân tích và bàn luận: dẫn chứng nên đảm bảo tính chất: cá nhân – cộng đồng; xưa – nay; lĩnh vực khoa học; kinh tế - nghệ thuật…để tạo tính sinh động, thuyết phục.

Nên kết hợp tư duy logic với tư duy hình ảnh (dùng hình ảnh, phép ẩn dụ, liên tưởng để tăng tính khái quát, sâu sắc cho nhận định). Nếu có thể, nên trích dẫn 1,2 câu danh ngôn để lập luận tăng tính thuyết phục, biểu cảm.

Bài nghị luận văn học

Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc: 3 phần mở - thân - kết.

Cụ thể:

Mở bài: phải nêu được vấn đề nghị luận

Với thân bài: khái quát chỉ khoảng 10 dòng: Chủ yếu hoàn cảnh sáng tác và 1 vài giá trị nội dung, nghệ thuật tiêu biểu.

Sơ lược phần trước ngữ liệu trong đề: 5 đến 15 dòng (nếu có)

Nghị luận về phần văn bản trong đề - chú ý hướng vào yêu cầu của đề. Lưu ý: Luận điểm- ý trọng tâm, nội bật nên đặt ở đầu đoạn văn, nếu tiểu kết được thì nên tiểu kết đến dạng đoạn tổng phân hợp.

Tâm lý, thái độ khi vào phòng thi nên thế nào?

Lưu ý với thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Đình Thị Thủy cho rằng, các em cần tập trung nghe chỉ dẫn của giám thị, tập trung và tỉnh táo trong đọc yêu cầu của đề.

Ngoài ra, cô cũng khuyên các học sinh không áp lực về điểm số: “ Đến thời điểm này, các em cần giải phóng áp lực, nhất là khi vào phòng thi, chúng ta không đặt nặng về một số điểm cụ thể, hãy chủ động, tự tin và thăng hoa; hãy viết bằng nhiệt huyết, sự chân thành và vốn kiến thức mình đã ôn luyện. Khi ấy, điểm số xứng đáng sẽ đến với các em một cách tự nhiên”- cô Thủy nhấn mạnh.

Trước thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin vào trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2023, tài khoản facebook Kaito Kid sẽ dự đoán đề môn Ngữ văn. Vậy thí sinh ở trước ngày thi phải thế nào?

“Năm nay học sinh bói đề và đang đặt niềm tin vào các tác phẩm: Người lái đò Sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ Nhặt, Đất nước, Tây Tiến. Học sinh không dự đoán (bói đề), điều này rất nguy hiểm vì Bộ không có chỉ dẫn nào về việc khoanh vùng các tác phẩm, hầu hết kì thi các năm vẫn gây bất ngờ với các thí sinh học tủ. Việc ôn trọng tâm, toàn diện sẽ giúp các em có tâm thế chủ động, tự tin để hoàn thành tốt bài thi”- cô Thủy chia sẻ.

MỚI - NÓNG