Dặn con không được … sợ bẩn
Là “công trình phụ” thế nhưng nhà vệ sinh học đường lại là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của học sinh.
Chị Bảo Phượng (Từ Liêm, Hà Nội) kể, đã hai năm qua chị nghe con nói nhà vệ sinh trong trường rất bẩn và con nhịn luôn.
“Con mình phản ánh “sợ” nhất là đi vệ sinh ở trường. Nhiều hôm đến đón con đã thấy cảnh tay túm quần đứng rung rung chân bảo mẹ cho về nhà nhanh không mà ướt quần. Vì thương con quá nên mình bảo con kể cả nhà vệ sinh bẩn cũng không được sợ, mỏi là phải đi ngay”- chị Phượng kể.
Tuy nhiên, cũng theo chị Phượng, nước trong nhà vệ sinh của trường rong rêu, tanh lòm nên vào vệ sinh phải nín thở không chết ngạt, đến khi dội nước lại phát nôn ra nên con chị ám ảnh đến mức, thà xón ra quần còn hơn phải vào trong đó.
Chị Thanh Hương (Hoài Đức, Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, mỗi năm chị phải bỏ một số tiền không nhỏ để đóng học khoản phí vệ sinh tại trường cho con. Tuy nhiên, nhà vệ sinh tại đây lại không được dọn dẹp thường xuyên nên lúc nào cũng bốc mùi hôi thối và ô nhiễm trầm trọng.
“Thậm chí, đến các nhu cầu tối thiểu là giấy vệ sinh và nước xả cũng “lúc có, lúc không” khiến cho nhiều bé thà “nhịn” chứ nhất quyết không chịu đi vệ sinh ở trường. Có hôm nghe con phản ánh, hệ thống bóng đèn, đường ống nước hỏng cả tháng trời mà còn chưa được sửa thì bao giờ mới hết cảnh hôi thối được”- chị Hương cho biết.
Em Thanh Thủy, học sinh lớp 7B của một trường ngoại thành của Hà Nội phản ánh, em phải thường xuyên phải xin cô giáo đi vệ sinh giữa giờ vì giờ ra chơi… muốn đi vệ sinh phải xếp hàng, thậm chí chen chúc với các bạn: “Nhà vệ sinh nhỏ, hẹp, nhiều lớp phải chung nhau một nhà nên muốn đi vệ sinh có khi phải chờ rất lâu mới đến lượt. Nhiều nhà vệ sinh học sinh đi tùm lum lại không có nước nên người sau đi vào thì mùi chết ngạt”- Thủy cho hay.
Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100-200 học sinh trong một ca học phải có 1 hố tiêu. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 học sinh có 1 hố tiêu.
Tuy nhiên, Bộ Y tế thống kê rằng, có tới 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường. Đối với các trường học ở nông thôn thì con số này lên tới 88%. Hiện tại, ở nhiều địa phương, vẫn đầy tình trạng nhà vệ sinh quá ‘cổ’ trong nhiều năm nay.
Lý giải về điều này, một lãnh đạo trường cho biết, nhiều trường học đã xây dựng lâu năm ở vào thời điểm số lượng học sinh chưa đông nên việc bố trí số nhà vệ sinh cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức thấp. Khi số học sinh quá tải, việc có đủ nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn còn khó chứ nói gì đến mơ ước có nhà vệ sinh sạch sẽ.
Thừa nhận thực tế này, một hiệu trưởng của một trường THCS ở Hoài Đức cho biết, đúng là trường có 700 học sinh nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh chính: “trong khi đó nguồn ngân sách lại hạn hẹp, trong thời gian ngắn không thể đầu tư để xây mới được. Số tiền hàng năm chỉ có thế, nếu làm cái này thì phải cấu vào cái khác. Đến số tiền thuê lao công dọn dẹp cũng còn phải hạn chế”- vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Xã hội hóa, việc không hề nhỏ?
Chị Lan Anh có con học ở một trường tiểu học quận Tây Hồ cho rằng, nếu về lâu về dài các trường công lập không cải thiện được tình trạng này thì cũng nên xã hội hóa để có nhà vệ sinh sạch sẽ cho các con.
Thầy Nguyễn Cao Cường- giáo viên trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho rằng, nếu nhà trường kêu gọi xã hội hóa để nhà vệ sinh con anh học thì anh hoàn toàn ủng hộ nhà trường.
Vì anh Cường cho rằng, nhà trường đầu tiên và đương nhiên phải xác định cần có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên vấn đề cho nó sạch sẽ lại là vấn đề khó.
“Nên cần nhà trường quan tâm về công tác duy trì làm sạch và giáo dục học sinh về ý thức giữ gìn sạch sẽ, vệ sinh chung. Số nhà vệ sinh không cần nhiều nhưng cần phải vệ sinh số lần trong ngày đủ để làm lúc nào cũng sạch sẽ"- thầy Cường nói
Thầy Cường cho rằng, nếu có xã hội hoá thì sẽ có nhà vệ sinh đẹp sạch cho các con. Tuy vậy, các trường cần có những qui định, quy trình về xã hội hóa chứ không để nó biến tướng thành mục đích khác.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng chỉ ra rằng, có nhiều cách để cải thiện tình trạng nhà vệ sinh của học sinh bẩn mà trước tiên là các trường đầu tư người lao công dọn sau mỗi tiết học.
“Nhà trường hay hiệu trưởng các trường phải coi nhà vệ sinh cần sạch sẽ là việc không hề nhỏ, là yêu cầu tối thiểu với mỗi trường”- TS Lâm nói.
Bên cạnh việc phải dọn dẹp thường xuyên khiến nhà vệ sinh sạch sẽ thì trong nhà vệ sinh có những khẩu hiệu giữ vệ sinh cũng là cách thay đổi ý thức của học sinh.