Giao địa phương làm cao tốc Bắc - Nam khác nào 'cho thuê bằng dược sĩ'

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
TPO - Đề xuất giao cho địa phương “có đủ năng lực, kinh nghiệm” đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài Hà Nội, TPHCM, không địa phương nào làm được

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, tổng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho ngành Giao thông vận tải khoảng 304.000 tỷ đồng.

Như vậy, ngoài phần vốn đã giải ngân năm 2021 khoảng 40.000 tỷ đồng, trong 4 năm tiếp theo bình quân mỗi năm phải giải ngân khoảng hơn 90.000 tỷ đồng. "Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025", ông Thể nói.

Tổng mức đầu tư theo tính toán sơ bộ giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng; phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng sẽ bố trí trong giai đoạn 2026 – 2030.

Cũng theo ông Thể, thời gian qua, Chính phủ đã giao một số địa phương triển khai xây dựng đường bộ cao tốc. Với vai trò quản lý nhà nước, các bộ, ngành trung ương đã phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... bước đầu đem lại hiệu quả nhất định trong đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư.

“Quá trình triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, việc giao Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư triển khai dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hỗ trợ tích cực trong việc tổ chức triển khai đồng bộ các dự án thành phần cũng như công tác giải ngân vốn đầu tư của Dự án”, ông Thể nêu.

Do đó, để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ đề xuất trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó. Trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ GTVT sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, với việc đầu tư 100% bằng vốn nhà nước, không huy động được nguồn lực tư nhân, như vậy là không đúng nghị quyết của Quốc hội. Với các công trình giao thông khác, ông Cường lưu ý, nghiên cứu để huy động nguồn vốn BOT, khai thác vốn ngoài nhà nước.

Về thời gian thực hiện, ông Cường lo ngại, cho rằng trong 2 năm không thể thực hiện được đền bù GPMB, nên phải xem xét thêm dự kiến thời gian. “Sân bay Long Thành dù đã tập trung mọi nguồn lực nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng. Dù 1 tỉnh hay nhiều tỉnh, nhiều đơn vị thì quy trình đền bù vẫn như nhau”, ông Cường lưu ý.

Trước đề xuất của Chính phủ, ông Cường “bảo lưu ý kiến” không giao cho địa phương mà cần giao Bộ GTVT làm. Ngoài Hà Nội, TPHCM ra, hầu như toàn bộ các địa phương khác đều không đáp ứng được năng lực thi công cao tốc không? Có giao cho địa phương, doanh nghiệp ở địa bàn đó cũng phải “liên doanh” với Bộ GTVT, như vậy chẳng khác nào “cho thuê bằng dược sĩ”, thay vì dược sĩ mở cửa hàng thuốc bán, đằng này lại cho thuê bằng đi các nơi mở bán”. Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho rằng, chỉ những công ty của Bộ mới có đủ năng lực, kinh nghiệm, doanh nghiệp trúng thầu cũng phải đơn vị của Bộ, hoặc trên Trung ương, địa phương không đủ năng lực để làm một dự án cần kỹ thuật rất cao là đường bộ cao tốc.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, đây là dự án đòi hỏi yếu tố kỹ thuật rất cao. Chính phủ muốn triển khai nhanh, nên giao cho địa phương, nhưng theo ông Định, không nên giao cho địa phương, cũng đừng trình ra Quốc hội, khó lắm. Tuy nhiên theo ông Định, có thể xem xét, nếu thấy địa phương nào có tiền, có năng lực, bỏ tiền ra làm nhanh, còn về tiêu chuẩn, định mức Bộ GTVT phải nắm hết, theo dạng hợp đồng, ký với các cơ quan ở địa phương lo cho đoạn này đoạn kia, như thế mới nhanh được. “Cái đó không phải báo cáo ra Quốc hội, giống như anh đi thuê thôi”, ông Định nêu.

Giao địa phương làm cao tốc Bắc - Nam khác nào 'cho thuê bằng dược sĩ' ảnh 1

Uỷ ban Thường vụ không đồng tình giao cho địa phương triển khai làm cao tốc Bắc Nam

“Thay đổi phương thức đấu thầu, đầu tư đã mất 3 – 4 năm rồi”

“Đại lộ là đại phú”, nhấn mạnh điều này, song theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tỷ lệ đường cao tốc của chúng ta hiện còn “khiêm tốn”, cũng chưa đạt chuẩn quốc tế, trong khi các nước mỗi bên 4 – 5 làn, ta chỉ có 2 làn.

Về lộ trình, ông Mẫn cũng băn khoăn, vì năm 2021 sắp hết rồi, nên cần tính toán lộ trình thực hiện cho phù hợp. Ông cũng lưu ý đến việc làm sao không để làm phát sinh chi phí đầu tư, tránh gây lãng phí, quản lý thu phí đừng phân tán, gây lợi ích cục bộ từng địa phương, gây thất thoát lãng phí. Viện dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương dù ngắn nhưng đã xảy ra nhiều vấn đề, phải thanh tra, xử lý, hay dự án Đà Nẵng – Quảng Ngãi hàng chục cán bộ đã bị xử lý, ông Mẫn đặc biệt lưu ý đến việc đấu thầu thi công, tránh tham nhũng, lợi ích nhóm, và công khai minh bạch không để thất thoát vốn.

Cơ bản tán thành với tờ trình Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung này đã làm nhiều, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến. Đây cũng là một dự án rất trọng điểm, dự kiến nằm trong gói kích thích kinh tế.

Về việc giao cho địa phương, ông Vương Đình Huệ cho biết, thẩm quyền của Chính phủ quyết định, nhưng khi quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội quyết cả chủ đầu tư. “Dự án đặc biệt quan trọng, lại muốn triển khai nhanh, gấp rút, chỉ đạo tập trung thống nhất thì tinh thần đề xuất giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Hội đồng thẩm định dự án này đã có ý kiến như thế rồi. Khi đưa ra, các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương cũng nói việc này”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo lãnh đạo Quốc hội, để triển khai nhanh, cần tập trung vào công tác GPMB. Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án GPMB rút gọn cho TP.HCM, rút ngắn được mấy trăm ngày. Thành phố Hà Nội cũng đã xin được như TP.HCM nhưng không được chấp nhận. “Cái này trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tại sao chúng ta không áp dụng cơ chế GPMB đã làm? Theo quy định của pháp luật hiện hành thôi chứ chẳng có gì khác luật cả”, ông Vương Đình Huệ nêu.

Về kế hoạch đấu thầu, theo Chủ tịch Quốc hội, giai đoạn 1 mất rất nhiều thời gian, mất hàng năm cho việc này. Đầu tiên thì công bố đấu thầu quốc tế, sau lại có ý kiến nói rủi ro nọ kia, lại để đấu thầu trong nước. Lúc đầu tất cả là PPP, sau đó lại chuyển sang 8 gói PPP, 3 gói đầu tư công; rồi trình lại Quốc hội. “Vì mấy chuyện đó mới kéo dài, chứ không phải do vướng luật", Chủ tịch Quốc hội, nói...

“Không đến mức độ là luật pháp cản trở đầu tư như chúng ta nói. Tôi nói hai việc đó mất gần 4 năm, không ít đâu. Có mỗi chuyện thay đổi phương thức đấu thầu thôi và thay đổi phương thức đầu tư mà trình lại Quốc hội. Chúng ta đừng để công trình này lại giống như giai đoạn 1. Vướng cái gì trong Luật Đầu tư công, chúng ta đã sửa ngay. Các cơ quan của Quốc hội phải nắm chuyện này”, ông Vương Đình Huệ lưu ý khi báo cáo ra Quốc hội tới đây.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình nội dung này ra kỳ họp bất thường tới đây. Trong đó lưu ý nghiên cứu cân nhắc, thuyết minh rõ hơn về quy mô 4 làn xe, đảm bảo an toàn hiệu quả trong khai thác và mở rộng về sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát tổng mức đầu tư, triển khai dự án tiết kiệm, hiệu quả, làm rõ phương án lựa chọn công nghệ; và giao Bộ GTVT toàn bộ, không giao cho địa phương, mà chỉ giao kinh phí GPMB cho địa phương, tập trung vào nhiệm vụ này và có sự cam kết trách nhiệm của địa phương.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.