Cao tốc Bắc – Nam: Bộ GTVT đề xuất giao các địa phương tổ chức thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe
TPO - Đề xuất của Bộ GTVT về việc giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua tổ chức thực hiện, quản lý không nhận được sự đồng thuận của các đại biểu.

Đáp ứng nhu cầu vận tải đến 2045

Chiều 3/12, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe. Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045.

Về tiến độ và thời gian thực hiện, theo ông Thể, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm, thời gian thi công hoàn thành công trình từ 2 - 3 năm. Chính vì vậy, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.

Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ dự kiến tiến độ triển khai: chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án. Trong năm 2021, dự kiến giải ngân đạt khoảng 96% mức vốn được giao, tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân tương đối lớn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, tuyến đường cao tốc này là trục xương sống, nhu cầu rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Do đó, việc Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình ra Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho dự án này. Tuy nhiên cần phải tính toán toàn diện dự án để vừa phù hợp với khả năng, đảm bảo liên kết vùng, thúc đẩy, khơi dậy sự phát triển kinh tế; rà soát kỹ vấn đề nguyên vật liệu, cơ chế thu dịch vụ sử dụng đường cao tốc, nhu cầu sử dụng đất của dự án, giải phóng mặt bằng…

Cao tốc Bắc – Nam: Bộ GTVT đề xuất giao các địa phương tổ chức thực hiện ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo một số nội dung Dự án. Ảnh QH

Giao cho địa phương không phù hợp quy định

Đối với ý kiến của Bộ GTVT về việc giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, một số đại biểu cho rằng, đây là dự án lớn, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới. Việc giao cho các địa phương sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, có ý kiến chỉ ra rằng, đây là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ toàn tuyến.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đây là một dự án quan trọng mang tính chiến lược cấp quốc gia, đáp ứng mục tiêu kết nối giao thông, kinh tế các vùng, thực hiện đồng thời nhiều mục đích. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu cao tinh thần khẩn trương, đẩy nhanh việc trình Quốc hội để đáp ứng tính cấp bách, tính khẩn thiết của dự án gắn với việc phục hồi phát triển nền kinh tế.

Về đề xuất giao địa phương triển khai dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các địa phương chưa thể đảm bảo được chất lượng công trình; đồng thời, với công trình giao thông cấp quốc gia cần phải đảm bảo tính liên thông các vùng, quản lý thống nhất ở mức độ cao. Do đó, Bộ GTVT chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đồng đều ở các địa phương tham gia dự án; đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, tính toán cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, vì vấn đề này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đồng thời, ông Hải cũng lưu ý cần đảm bảo các yêu cầu cấp cao của công trình giao thông quan trọng, tránh việc chất lượng công trình không đạt yêu cầu, gây khó khăn trong khai thác sử dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh việc tán thành tính cấp thiết, cấp bách của việc đầu tư dự án, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế, hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... để đảm bảo tính thuyết phục cao. Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 12 và trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường cuối năm 2021.

MỚI - NÓNG