Gian nan con chữ vùng sâu

7 học sinh sống chật chội trong căn nhà nhỏ.
7 học sinh sống chật chội trong căn nhà nhỏ.
TP - Bốn mươi học sinh ở điểm trường Tiểu học Trần Bội Cơ, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) mỗi tháng chỉ được về nhà đôi ba lần vì giao thông cách trở. Do không có nơi học bán trú, các em phải chen chúc sống trong những căn nhà thuê chật chội ẩm thấp, thiếu thốn trăm bề.

Những em bé đùm bọc ‘lẫn nhau

Kết thúc buổi học, em Đặng Chòi Lường (SN 2005 - học sinh lớp 4, trường tiểu học Trần Bội Cơ, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) và 6 em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 3 về căn nhà thuê cách trường học chừng hơn 1km trên con đường sình lầy dẫn vào chỗ trọ. “Mọi hôm, đường lầy lội, bùn lội ngang đầu gối, đi lại khó khăn lắm. Nay trời hửng nắng, chúng em bước theo những vết bánh xe máy mới ra được trường học. Cứ mỗi lần trời mưa, việc đi lại của chúng em rất gian nan !” - em Lường kể.

Căn nhà nhỏ, nền đất ẩm thấp, rộng chỉ hơn 10m2 là nơi cư ngụ của Lường và 6 em nhỏ khác. Bên trong, có 2 giường ngủ ghép từ những thân cây bạch đàn, trên lót ván, và vài cái kệ nhỏ đựng thức ăn. Do là người lớn tuổi nhất, Lường phải kiêm nhiệm việc nấu ăn, giặt giũ cũng như đánh thức các em đến trường mỗi ngày. Món ăn bữa trưa hôm nay có bắp cải xào và khoai lang. Những chiếc nồi bé xíu, đặt lên bếp lửa chỉ sau chừng 30 phút là xong. “Các em còn nhỏ, chưa biết làm gì cả, nên em phải đảm nhận hết. Ở nhà, bố mẹ đã hướng dẫn cho em  cách chế biến các món ăn đơn giản, không lo bị đói!” - Lường tâm sự.

Lường cùng 39 học trò nhỏ được bố mẹ thuê nhà trọ ở thôn E291, xã Đắk Môl. Bô mẹ các em đang mưu sinh tại tiểu khu 1097, nơi có hơn 100 hộ đồng bào người Dao di cư từ Bắc vào. Nơi đó cách điểm trường 15 km nên cha mẹ đành gửi các con ở trọ. “Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tuần bố mẹ ra thăm một lần, mua thức ăn, rau và các đồ thiết yếu khác. Còn trời mưa, phải 3 đến 4 tuần bố mẹ mới ra thăm con được vài tiếng, rồi phải về đi làm rẫy. Xa nhà, chúng em phải tự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau” - Lường nói.

Trong những ngôi nhà trọ ở thôn E291, chỗ ở của em Lý Gia Lâm (học sinh lớp 5) là “kí túc xá đặc biệt” nhất. Căn nhà rộng chưa đến 10m2 nằm sát cánh đồng, nên hễ trời mưa là nước ngập hết sàn nhà. Dưới gầm giường của Lâm, bùn lầy bốc mùi rất khó chịu. “Ở lâu trong mùi ẩm thấp em đã quen rồi.  Em tự động viên bản thân, cứ chịu khó ít lâu, đến mùa khô là đâu vào đó hết” - Lâm nói.

Thầy Doãn Huy Hùng giáo viên lớp 5 than: Có những lần trời mưa dài ngày, các em không đến trường, giáo viên phải thay nhau tiếp tế thực phẩm cho các em. Trận mưa tháng trước, tôi và một số giáo viên vào thăm. Thấy các em ngồi thu lu trên giường sắp ngập chìm trong nước, cả đoàn không cầm được nước mắt.

Trường cần có nơi bán trú

Điểm trường Tiểu học Trần Bội Cơ có 4 phòng học, 5 giáo viên chủ nhiệm và 4 giáo viên phân môn. Phải chia làm 2 ca học mới đủ cho 5 lớp, mỗi lớp từ 15 đến 17 học sinh. “Học sinh ở đây, nhất là con em đồng bào Dao chăm học lắm. Dù bị ốm, hay mưa ngập, bùn trơn, các em đều cố gắng đến lớp đúng giờ” - cô Nguyễn Thị Minh Trang giáo viên lớp 1 khen ngợi.

Gian nan con chữ vùng sâu ảnh 1

Em Đặng Chòi Lường chuẩn bị bữa trưa.

Cô Trang cho biết, khó khăn nhất của giáo viên lớp 1 là dạy nói và viết tiếng Việt cho học sinh người Dao.  Cô đã cùng một số học sinh người Kinh phối hợp dạy các bạn người Dao cách phát âm và viết đúng ngôn ngữ tiếng Việt. Các em tiếp thu rất nhanh, chỉ mới hơn 2 tháng đã đọc và viết khá thành thạo.

Điểm trường Tiểu học Trần Bội Cơ được nhà tài trợ cấp tiền xây dựng cách đây gần 16 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp, khi xây lại không thiết kế phòng nghỉ cho học sinh và giáo viên, nên những giờ sinh hoạt của học sinh, hay họp bàn của thầy cô đều diễn ra dưới... gốc cây xoài. “Học sinh không có phòng ở bán trú, thì giáo viên có phòng làm việc cũng không sung sướng gì. Nhiều năm qua, chúng tôi đã đi kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, thi thoảng cũng có một đoàn từ thiện về đo đạc hẹn xây phòng lưu trú, nhưng họ về không quay trở lại” - thầy Hùng nói.

“Trường Tiểu học Trần Bội Cơ, tiền thân là trường Tiểu học Ngô Gia Tự, đổi tên theo đề nghị của những người làm từ thiện góp tiền xây từ năm 2000. Cuộc sống của giáo viên và học sinh rất khó khăn. Điểm trường cách trung tâm thị trấn Đắk Mil, và cách trung tâm huyện Đắk Song chừng 30 km, đi lại rất gian nan, nhất là đối với các em học sinh nhỏ” – Cô Nguyễn Thị Hải Yến, hiệu trưởng nhà trường nói.

MỚI - NÓNG