Một người đỗ gian, một người trượt oan
TS Lương Hoài Nam cho rằng, nhiều người dân nhận thức đây là kỳ thi ĐH, nên mới dẫn đến việc phải cố chạy chọt, tiêu cực, giành lấy, cướp lấy cơ hội của những học sinh xứng đáng hơn. Trong cuộc họp giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các chuyên gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Bản chất tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La là gian lận để cướp cơ hội vào ĐH của những học sinh xứng đáng hơn. Một người đỗ gian đồng nghĩa một người trượt oan”.
Về đề thi năm nay, ông Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT ra khó đến mức không thể gọi là đề thi tốt nghiệp THPT được mà là đề thi ĐH. Theo thống kê, nếu chỉ tính điểm thi để xét tốt nghiệp mà không xét yếu tố học bạ cộng điểm thì hơn một nửa số học sinh năm vừa rồi trượt tốt nghiệp.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ báo cáo trong cuộc họp về các phương thức thi, từ trước đến nay không có phương thức nào hoàn thiện 100%, vì vẫn phụ thuộc con người. Phương thức thi tốt nhưng con người thực hiện không tốt không được. Ông Thuyết cho rằng, các vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang có nguyên nhân sâu xa là do quyền lợi cá nhân.
Ðề xuất lập trung tâm khảo thí độc lập
TS Nam nói rằng, ông đã đề xuất hướng giải quyết là “ bỏ kỳ thi tốt nghiệp. “Muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp, trước hết phải sửa Luật Giáo dục”, ông nói.
Ông Nam lập luận, nếu tốt nghiệp không phản ánh đúng thực chất, vẫn chạy theo thành tích gần 100% tốt nghiệp thì thi làm gì cho tốn kém. Bộ nên giao quyền cấp chứng nhận tốt nghiệp cho các trường THPT. Làm như vậy không có gì khác biệt cả bởi các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada… đều đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp từ lâu. Học sinh học xong 12 năm, nhà trường đánh giá và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình.
Còn việc tuyển sinh ĐH, cần thành lập khoảng hai trung tâm khảo thí độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Một năm, các trung tâm này tổ chức đánh giá trình độ học sinh nhiều lần, học sinh lớp 11 trở lên bắt đầu thi để lấy chứng chỉ. Các trung tâm này sẽ tự cạnh trạnh nhau về mặt chất lượng và các trường ĐH có quyền lựa chọn tin tưởng chứng chỉ của trung tâm nào. Ngoài ra, khi tuyển sinh mỗi trường, mỗi ngành có thể có điều kiện kèm theo để tuyển sinh riêng. Không thể nói tự chủ tuyển sinh có nghĩa là 500 trường ra 500 đề thi khác nhau, ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng, trong hai năm tới vẫn phải tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia để có thời gian, lộ trình chuẩn bị các điều kiện cho việc đổi mới. Phải có ngân hàng đề, phải thuê tư vấn nước ngoài nên xác định lộ trình cẩn thận. Đã đến lúc, không thể lấy điểm thi THPT quốc gia để tuyển sinh chung cho các chuyên ngành đặc thù.
GS Thuyết cho rằng, năm tới vẫn nên tiếp tục kỳ thi, tuy nhiên, chỉ nên xác định là kỳ thi THPT, không kèm mục tiêu xét tuyển ĐH. Nếu kèm mục tiêu xét tuyển, đề sẽ khó hơn và người ta sẽ tìm cách để gian dối, để vào bằng được các trường tốp đầu. Vì vậy, chỉ cần lấy điểm của kỳ thi để công nhận tốt nghiệp. Các trường ĐH có hình thức kiểm tra bổ sung hoặc có hình thức tuyển sinh khác, ông Thuyết nói.
Về lâu dài, phải thay đổi phương thức thi bởi thực hiện chương trình mới, học sinh thực hành nhiều, đòi hỏi kỹ năng sống. “Bộ GD&ĐT đã giao cho một tổ chức nghiên cứu phương thức thi mới và sẽ sớm công bố phương án đổi mới thi cử. Tuy nhiên, có thể Bộ GD&ĐT đang thận trọng để nghiên cứu thêm”, GS Thuyết nói.
Hải Phòng: 38 bài thi thay đổi điểm sau chấm phúc khảo
Lãnh đạo Sở GD&ÐT Hải Phòng thông tin, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, có 1.046 bài thi được thí sinh yêu cầu chấm phúc khảo. Sở GD&ÐT Hải Phòng đã lập Ban phúc khảo bài thi để chấm thi. Kết quả, môn Ngữ văn sau khi chấm phúc khảo đã có 31 bài thay đổi điểm thi so với lần 1 với mức chênh là 0,25 điểm. Trong đó, có 27 bài tăng 0,25 điểm, 4 bài giảm 0,25 điểm. Có 7 bài thi môn trắc nghiệm thay đổi điểm tăng lên sau khi chấm phúc khảo, do lỗi thí sinh tô sai mã đề.
Nguyễn Hà