Giám sát rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, chuyển hồ sơ khi cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Góp ý tại Tọa đàm về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần tập trung vào kết luận giám sát, trong đó nhận diện rõ trách nhiệm của tập thể, tổ chức, cá nhân; việc này ai chịu trách nhiệm. "Như vậy Quốc hội nếu cần thiết làm rõ trách nhiệm có thể chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền, hiệu lực giám sát sẽ cao hơn...", ông Thông nêu.

Sáng 18/2, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương chủ trì Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của QH.

Chất vấn, truy trách nhiệm đến cùng

Thảo luận tại tọa đàm, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của QH trong quá trình xây dựng dự thảo.

Giám sát rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, chuyển hồ sơ khi cần thiết ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Tọa đàm. Ảnh: Quochoi

Tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án cũng như cấu trúc, nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, một số ý kiến cho rằng, dự thảo đã nghiên cứu, đổi mới hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH trên tất cả các hoạt động giám sát như: xem xét báo cáo; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; xem xét việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề; xem xét các kiến nghị giám sát không được thực hiện; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giải trình;….

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, khi đánh giá về thực trạng hoạt động giám sát của QH cần đặt trong mối quan hệ với các chức năng khác của QH, đó là chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, coi trọng phối hợp giữa giám sát mang tính quyền lực của QH với giám sát mang tính xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Nhấn mạnh chất vấn là phương thức giám sát hiệu quả nhất, được nhân dân và cử tri đồng tình ủng hộ, ông Đường kiến nghị, trong quá trình chất vấn phải tập trung vào đối tượng chất vấn để truy trách nhiệm đến cùng.

Chung quan điểm, TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn là yêu cầu cần thiết, khách quan của QH, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Ông Thanh đề nghị cần đổi mới việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn. Cụ thể, số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn; các vấn đề được lựa chọn chất vấn có mối quan hệ trực tiếp với nhau; chất vấn những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm; chất vấn về những nhiệm vụ quan trọng của đất nước, chi phối mạnh đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;…

Cần thiết có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, QH là thiết chế chính trị, những vấn đề giám sát của QH là giám sát ở tầm chính trị/góc độ chính trị. Công cụ để QH tiến hành giám sát là sử dụng các công cụ của chế độ hội nghị như: tranh luận, chất vấn, điều trần, …. Đối với những vấn đề giám sát gắn với các chuyên môn cụ thể, ưu tiên tổ chức các phiên điều trần tại Ủy ban.

Giám sát rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, chuyển hồ sơ khi cần thiết ảnh 2

PGS.TS Lê Minh Thông. Ảnh: Quochoi

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, mục tiêu/kết quả của giám sát là phải làm rõ trách nhiệm. Theo ông Thông, vấn đề quan trọng đặt ra là các kết luận giám sát. Theo đó, kết luận giám sát phải định vị được trách nhiệm của các chủ thể chịu sự giám sát như thế nào?

“Đặc biệt chú trọng đến kết luận giám sát, trong đó nhận diện rõ trách nhiệm của tập thể, tổ chức, cá nhân; việc này ai chịu trách nhiệm. Như vậy nếu QH thấy cần thiết làm rõ trách nhiệm có thể chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền. Nếu làm được như vậy, hiệu lực giám sát sẽ cao hơn, …..”, ông Thông nêu.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nêu quan điểm cần chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát. Để làm được việc này, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động hậu giám sát; nâng cao năng lực của đại biểu QH; nâng cao chất lượng các kết luận giám sát; hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động hậu giám sát; áp dụng chế tài phù hợp để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hậu giám sát;…

Giám sát rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, chuyển hồ sơ khi cần thiết ảnh 3

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Quochoi

Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tăng cường và có cơ chế cụ thể về sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành vào các đoàn giám sát của QH; làm rõ phạm vi giám sát của QH; xác định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong thực hiện hoạt động giám sát; công khai kết luận giám sát của QH trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp giữa các hình thức giám sát (giám sát tối cao với chất vấn; giám sát chuyên đề phải kết hợp với giám sát vụ việc); thành lập Ủy ban lâm thời nghiên cứu điều tra về 1 vấn đề nhất định;…

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng, cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của QH. Công tác giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động giám sát của QH, được lựa chọn một cách thận trọng, khách quan, khoa học, bảo đảm khả thi; phải gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, cách đặt vấn đề xây dựng Đề án cần bám sát theo các hoạt động giám sát được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân để tránh bỏ sót, bảo đảm phản ánh toàn diện tất cả các hoạt động giám sát của các chủ thể giám sát; đánh giá thực trạng ngắn gọn, lựa chọn những vấn đề trọng điểm, có số liệu và minh chứng để chứng minh. Trên cơ sở đó, rút ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm để đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, có tính khả thi.

Phó Chủ tịch QH cũng yêu cầu xác định rõ những vấn đề nổi lên qua thực tiễn đã có kiểm nghiệm để xây dựng, áp dụng đặc biệt phân định rõ hoạt động giám sát tối cao của QH và giám sát thường xuyên của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Đoàn Đại biểu QH, Đại biểu QH, trong đó xác định chủ thể chính, quan trọng tiến hành hoạt động giám sát vẫn là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.