Giám đốc Huawei bị bắt, doanh nghiệp Mỹ dễ lao đao

 Giám đốc Huawei bị bắt, doanh nghiệp Mỹ dễ lao đao
TPO - Vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei Huawei Mạnh Vãn Châu phơi bày những rủi ro mà các hãng công nghệ Mỹ phải đối mặt khi làm ăn với Trung Quốc và gây ra lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài.

Bà Mạnh, con gái của ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập hãng điện thoại lớn thứ hai thế giới sau Samsung, bị bắt ngày 1/12 tại Vancouver, Canada, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ vì nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Đây là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm tấn công vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc sau khi cấm cửa một hãng thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE vào đầu năm nay.

Một số chuyên gia cho rằng những bước đi đó khiến các hãng công nghệ Mỹ làm ăn với Trung Quốc cũng có thể phải hứng “bão”.

“Bạn có thể thấy diễn biến tăng dần từ vụ cấm ZTE...cho thấy Washington đang xử lý vấn đề vi phạm trừng phạt rất nghiêm túc”, báo SCMP dẫn lời bà Alma Angotti, giám đốc quản lý hãng tư vấn Navigant và là một chuyên gia về chống rửa tiền.

Đầu năm nay, Mỹ cấm ZTE mua bất kỳ linh kiện nào của Mỹ trong 7 năm sau khi hãng này bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ để bán sản phẩm cho Iran và Triều Tiên. Washington cho biết lý do trừng phạt ZTE là vì quan ngại an ninh quốc gia.

Bà Angotti nói rằng việc chính phủ Mỹ quyết liệt xử lý những vi phạm như của ZTE hay Huawei cũng làm tăng rủi ro mà các công ty Mỹ phải đối mặt.

Có khả năng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ “muốn làm rõ liệu các nhà cung cấp Mỹ biết hay có lý do để biết sẽ xảy ra vi phạm hay không, hay liệu họ có kiểm soát hoạt động của mình để ngăn ngừa việc sử dụng những hàng hóa xuất xứ Mỹ sai mục đích, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. Đó là rủi ro rất lớn”, bà Angotti nói.

Không chỉ thế, việc tấn công vào các hãng viễn thông Trung Quốc cũng sẽ khiến các hãng công nghệ Mỹ khó khăn vì chuỗi cung ứng ngày nay đang kết nối mức độ cao.

“Tác động của điều này rất lớn vì mọi chuỗi cung ứng đều đi qua Trung Quốc”, ông Stacy Rasgon, một nhà phân tích tại hãng quản lý tài sản AllianceBernstein, đánh giá. “Dù khó đánh giá tác động trực tiếp, nhưng rõ ràng thị trường không thích những thứ không chắc chắn”, ông Rasgon nói.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones sáng 6/12 giảm 760 điểm, tương đương 3%. Cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn của Mỹ có mua hoặc bán linh kiện với Huawei giảm mạnh ngay từ phiên giao dịch buổi sáng do lo ngại gián đoạn trong hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ tác động đáng kể lên chuỗi cung ứng của họ.

Vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu xảy ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires để bàn các vấn đề thương mại.

Vụ bắt giữ này sẽ bị Trung Quốc coi là hành động tấn công và “bắt giữ con tin”, nhà báo Elliott Zaagman của BBC đánh giá.

“Trung Quốc nổi tiếng là sẵn sàng thỏa thuận nhưng sau đó không tuân thủ. Có ý kiến cho rằng vụ bắt giữ này là cách Washington buộc Bắc Kinh phải giữ lời”, ông Zaagman nói.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton hôm qua nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh công cộng quốc gia rằng ông đã biết trước việc bắt bà Mạnh.

“Có vẻ đây là sự leo thang đáng kể của những tranh chấp hiện nay. Bà Mạnh bị bắt ngay vào lúc lãnh đạo hai nước đang gặp nhau. Cảm giác như đó là cái tát vào mặt”, ông Rasgon nói.

Một báo cáo của quốc hội Mỹ hồi tháng 6 chỉ mặt Huawei và ZTE là “những kẻ bất chính” Trung Quốc đang thâm nhập vào các cơ quan tình báo Mỹ và các cơ sở hạ tầng quan trọng bằng những linh kiện và hệ thống công nghệ thông tin.

Mùa hè năm nay, Quốc hội Mỹ thông qua luật để trao quyền lớn hơn cho Ủy ban đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS), một cơ quan liên ngành có nhiệm vụ đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Dù luật mới không đề cập đến Trung Quốc nhưng rõ ràng đây là một mục tiêu.

Theo theo SCMP, BBC
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.