Giảm biên chế, cách nào?

Giảm biên chế, cách nào?
TP - Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính vừa nêu ra những con số rất cụ thể chứng tỏ sự bất cập trong bộ máy cán bộ, công chức của nước ta.

Với khoảng 4 triệu người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách (chưa tính quân đội và công an), bình quân cứ 23 công dân Việt Nam phải nuôi 1 cán bộ, công chức. Trong khi đó, các nước xung quanh ta như Philippines 77 người mới phải nuôi 1 công chức, Indonesia 59 người, Singapore 40 người, Ấn Độ 62,5 người. Sau 30 năm đổi mới, cả nước tăng thêm 19 tỉnh thành.

Công chức nhiều, song chất lượng chẳng bao nhiêu, nhiều người cho rằng chỉ 30% đạt yêu cầu. Vấn đề chất lượng bằng cấp, “học thật bằng giả”, “học giả bằng thật” thỉnh thoảng lại rộ lên trong dư luận. Có lẽ không nước nào trên thế giới có nhiều thứ trưởng như nước ta, trung bình mỗi bộ có từ 5-7 thứ trưởng. Các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Việt Nam có 30 bộ, cơ quan ngang bộ và các đầu mối trực thuộc. Có sở 44/46  cán bộ là lãnh đạo, thậm chí có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo không có chuyên viên, có nơi có tới 19 hàm vụ phó…Chuyện “cả họ làm quan” cũng từng rộ lên ở chỗ này chỗ khác.

Ở ta lương cán bộ nhà nước khá thấp nếu so với các ngành nghề khác ngoài xã hội, thế nhưng vì sao lại có nhiều người thích làm cán bộ, công chức, đặc biệt là thích làm quan chức đến vậy ? Hẳn nhiều người sẽ tự biết câu trả lời cho riêng mình. Còn tôi cho rằng, nếu làm công chức được như ở Singapore thì quá hãnh diện, ai mà chẳng muốn. Bởi từ lâu quốc đảo này đã thành công trong chính sách thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, công chức Singapore được trả lương hậu hĩnh song được tuyển vào cũng không hề dễ. Nghe nói những người đỗ đầu trong các kỳ thi tuyển dụng sẽ tiếp tục được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, khi trở về sẽ được đãi ngộ, được làm việc tại các vị trí có cơ hội thăng tiến cao trong bộ máy nhà nước. Điều này lý giải vì sao công chức Singapore “không muốn, không dám và không thể” tham nhũng.

Còn chúng ta, từ lâu các tỉnh thành cũng đều có chính sách thu hút nhân tài, nhưng không mấy hiệu quả, không hiểu sao nhiều nhân tài vào rồi lại lặng lẽ ra đi. Để bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch và hoạt động hiệu quả như các nước tiên tiến, không có cách nào khác là phải tạo dựng được một “hệ sinh thái” đủ mạnh để thu hút người tài đức vào bộ máy nhà nước. “Tướng nào thì quân nấy”, một môi trường tốt cho người tài dụng võ phải bắt đầu bằng chính những người đứng đầu mỗi phòng ban, công sở, bộ ngành…

Và đó cũng là cách căn cơ nhất để giảm mạnh biên chế, tinh gọn bộ máy, phục vụ nhân dân và triệt tiêu tham nhũng. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân ắt phải gây dựng cho bằng được đội ngũ công bộc thực sự tài năng và đức độ, hết lòng phụng sự tổ quốc và nhân dân.

MỚI - NÓNG