Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016: Xướng tên… người cũ

Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016
Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016
TP - Nếu như giải Nobel Văn học 2016 khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi gọi tên ca sỹ, nhạc sỹ Bob Dylan thì giải thưởng văn học danh giá nhất ở Việt Nam lần này lại khiến độc giả yêu văn chương mất cơ hội bất ngờ. Hai lĩnh vực được quan tâm nhất, thơ và văn, đã vinh danh những cái tên quen thuộc: Chu Lai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Việt Chiến, Y Phương.

Đồng thuận là chủ yếu, thắc mắc là đương nhiên

Trả lời băn khoăn của nhiều độc giả: “Những gương mặt đoạt giải... cũ quá”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban sáng tác của Hội “phản pháo”: “Tôi nghĩ một cái tên cũ hay mới không phải điều quyết định cho giải thưởng. Vấn đề là cái tên mới hay lạ ấy mang lại gì cho sự đa dạng, tính phong phú của văn học hiện nay”. Anh khẳng định: Giải thưởng văn học năm nay đảm bảo chất lượng. Và chứng minh, ngay như Chu Lai, một cái tên  quen thuộc trong đề tài quá quen thuộc: chiến tranh, vẫn mang lại cái nhìn mới mẻ: “Ở đó không chỉ viết về chiến tranh mà còn đặt ra vấn đề khác về một đất nước, một dân tộc, từ lòng nhân ái, ý chí cho nền tự do…”. Hay như Y Phương, một nhà thơ dân tộc Tày, bỏ rừng về phố đã chục năm nay, trong cơn lốc của cuộc sống đô thị vẫn cất lên giọng Tày. “Vũ khúc Tày”, tác phẩm đoạt giải của Y Phương nhuần nhuyễn giữa thi ca hiện đại và vẻ đẹp của bản sắc dân tộc. Trường hợp của Nguyễn Việt Chiến được Nguyễn Quang Thiều đánh giá: Vấn đề thời sự là vấn đề rất khó, một thách thức với thơ ca. Ở “Tổ quốc nhìn từ biển” Nguyễn Việt Chiến đã thành công trong chủ đề biển đảo. Theo Nguyễn Quang Thiều, nữ nhà văn Lê Minh Khuê góp mặt trong giải thưởng lần này hoàn toàn xứng đáng vì “truyện ngắn của chị bây giờ ngắn hơn, tốc độ hơn, giản dị hơn…. Khác với trước đây Lê Minh Khuê bùng nổ, có gì đó mâu thuẫn trong chi tiết, xung đột truyện. Lê Minh Khuê hôm nay giống như người phụ nữ ngồi xuống kể chuyện một cách bình tĩnh, sâu sắc, triết lí”…

Chúng tôi tiếp tục trao đổi vấn đề thiếu nhân tố mới trong danh sách giải thưởng thơ, văn xuôi năm nay, với nhà văn Phạm Hoa, Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội nhà văn Việt Nam, người tham gia xét giải. Anh bày tỏ, hoàn toàn hài lòng với kết quả này:  “Cuốn của Chu Lai, Lê Minh Khuê nói chung tương đối được. Anh Hữu Thỉnh nói năm nay không có tác phẩm tiêu biểu nhưng so với giải thưởng hàng năm là đạt tiêu chí chứ còn gì nữa”. Về việc giải thưởng toàn rơi vào những người đã nổi tiếng, nhà văn Phạm Hoa nói: “Quan điểm của tôi, nếu hai người mười điểm thì nên chọn anh trẻ, chưa được giải bao giờ”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định ban giám khảo đã quan tâm đến những nhân tố mới, những cây viết trẻ với thái độ hết sức “nghiêm cẩn”: “Khi bàn về các tác phẩm lọt vào chung khảo, gồm 14 tác phẩm, chiếm nhiều thời lượng nhất chính là tác phẩm của người trẻ nhất, tác giả Chu Thị Minh Huệ. Nhưng sau khi xem xét tất cả các mặt: Nghệ thuật, nội dung, chúng tôi lại thấy tác phẩm của Chu Thị Minh Huệ có những yếu tố chưa đủ độ chín như tác phẩm của Lê Minh Khuê hay Chu Lai”.

Tuy nhiên Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi, nhà văn Phạm Hoa cũng phải thừa nhận: “Giải vẫn có cảm tính xen vào”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Cụ thể như trường hợp Lê Minh Khuê, anh thấy Lê Minh Khuê của hôm nay khác gì so với Lê Minh Khuê xưa, qua tác phẩm đoạt giải này?”. Nhà văn Phạm Hoa thẳng thắn: “Tôi chưa thấy. Nhưng mà những tình huống truyện của bà ấy vẫn hay, vẫn được, vẫn thuyết phục. Còn hơn ngày trước thì tôi không thấy. Cô có thể viết thẳng điều đó, vì tôi đã nói thẳng với Lê Minh Khuê rồi”. Về cuốn “Mưa đỏ” của Chu Lai, nhà văn Phạm Hoa ca ngợi: “Được ở ý. Còn văn Chu Lai thì vẫn thế thôi”. Đánh giá về kết quả giải thưởng văn học năm nay so với những năm trước, Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi nhận định: “Giống mọi năm thôi. Đồng thuận là chủ yếu, thắc mắc là đương nhiên. Không có năm nào không có chuyện ấy. Ngay cả hồi trao giải thưởng cho Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh cũng tạo ra ý kiến tranh luận khác nhau. Điều đó là bình thường không vấn đề gì cả”.

Vào siêu thị bỏ túi ngoài cửa

Một điều khiến không ít những người yêu mến văn chương thấy “gợn” là mùa giải thưởng năm nay không chỉ là “mùa hồi xuân” (chữ dùng Nguyễn Quang Thiều) của những cây bút tên tuổi mà còn là mùa bội thu của ủy viên hội đồng hai mảng: Thơ và văn xuôi. Giải thơ ca gọi tên Phó chủ tịch Hội đồng Thơ. Giải văn xuôi gọi tên Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Nhà văn Phạm Hoa khẳng định sự khách quan khi chấm giải: “Chúng tôi bỏ yêu ghét ra ngoài cửa, bỏ phiếu bằng tín nhiệm chuyên môn, giống như vào siêu thị bỏ túi ngoài cửa”. Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tái khẳng định sự khách quan này: “Thật hài hước khi chúng ta lại bàn chuyện ưu ái. Chúng tôi đang nỗ lực nhất để làm sao tránh đi những dị nghị đã có ở đâu đấy trong giải thưởng Hội nhà văn. Nhưng năm nay là năm được mùa ở khía cạnh các ủy viên hội đồng có tác phẩm vào chung khảo. Riêng Thanh Thảo với trường ca xứng đáng, đến phút cuối cùng đã tự rút. Rồi Chu Lai, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến… Đó thực sự là thách thức với Ban chấp hành. Nhưng Ban chấp hành đã xem xét kỹ càng và quyết định chọn lựa mặc dù có thể có dị nghị nào đấy, ở đâu đấy về các tác giả đoạt giải là ủy viên thậm chí Chủ tịch, Phó chủ tịch các hội đồng. Nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo qui trình và qui chế. Những cuốn sách đoạt giải không phải sương khói, nói xong là biến ảo đi mà nó cụ thể trên văn bản và bạn đọc tiếp tục nhìn nhận nó”.

Đặt câu hỏi, liệu nên có “nhiệm kỳ” giải thưởng, chẳng hạn nhà văn quá nhiều lần đoạt giải thưởng thì dừng, không tiếp tục đề cử? Người phát ngôn chính thức của giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Nếu có thì đó là qui chế không công bằng, không thúc đẩy sự phát triển của văn học, không tôn trọng những sáng tác của nhà văn. Mỗi tác giả được các nhà xuất bản, các tờ báo lớn, các hội viên hội nhà văn đề cử, họ được xét công bằng như mọi người khác và họ có thể rút theo cách của họ. Tôi có cuốn sách được NXB Trẻ đề cử nhưng tôi đã rút nó. Đó là quyền của tôi cũng như việc tôi có quyền để cuốn sách đó lại và đòi hỏi công bằng khi xét giải”.

Từ văn chương Việt nhìn sang bóng đá thế giới mới thấy, trong 9 năm qua, danh hiệu “Quả bóng Vàng” chỉ do Messi, Ronaldo thống trị. Nhưng cả hai đều không bị dị nghị những vấn đề ngoài chuyên môn. Đơn giản vì họ chỉ biết đá đóng, không sắm hai vai: Vừa quan chức thể thao, vừa ngôi sao bóng đá.  

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết Hội nhà văn đã kiếm tìm những cuốn sách đáng giá để trao giải bằng nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn độc giả đề cử: “Đó là sáng kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu thực hiện từ năm ngoái. Nếu cuốn sách được giải thưởng do một độc giả bình thường,  không phải hội viên hội nhà văn đề cử thì Hội nhà văn sẽ có phần thưởng xứng đáng. Chúng tôi muốn lắng nghe, rà soát, để không bị bỏ quên những tác phẩm giá trị”. Song thiện ý này của Hội nhà văn đến nay vẫn chưa thành hiện thực, chưa có độc giả nào nhận “món quà” mà Hội muốn trao. Công cuộc tìm độc giả giới thiệu sách hay của Hội nhà văn Việt Nam có lẽ khó ngang với chuyện TP Hà Nội treo giải 200 ngàn USD cho người tìm ra giải pháp chống ùn tắc?!

Sẽ ra sao nếu hội đồng định đoạt giải thưởng lại luôn là những người lớn tuổi? Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Lớn tuổi hay trẻ tuổi không phải điều quyết định. Quyết định là khả năng tiếp cận văn bản của anh ta ở đâu, sự công  bằng của anh ta ở đâu, sự phát hiện của anh ta ở đâu”. Nói gì thì nói, mùa giải văn chương năm nay không tìm ra một gương mặt mới nào, đó là điều đáng tiếc. “Nếu chỉ nhìn vào kết quả, ít nhiều bi quan cho tương lai văn chương Việt?”, trước câu hỏi  này, nhà văn Phạm Hoa thừa nhận: “Văn chương chưa được mùa đâu, bi quan cũng đúng”. Nhưng anh cho rằng, đây cũng chỉ là một ngày mùa như mọi ngày mùa khác, “cũng có thóc rơi, thóc vãi chứ lại”. 

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016: Xướng tên… người cũ ảnh 1

Nhà thơ Thanh Thảo: Chẳng ai cấm tôi

Lý do nào khiến nhà thơ Thanh Thảo rút tập trường ca của mình khỏi đường đua giải thưởng năm nay? Trao đổi với Thanh Thảo (ảnh), ông vui vẻ và cởi mở cho biết: “Tôi đang là Chủ tịch hội đồng Thơ nên tôi xin rút, nếu tôi không làm gì thì tham gia dự giải là bình thường. Không ai cấm tôi tham gia giải đâu, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ vẫn giành giải đó thôi nhưng cá nhân tôi thấy không thích, nên tôi tự đi ra”.

Các tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2016

Làn gió chảy qua (truyện ngắn), Lê Minh Khuê; Mưa đỏ (tiểu thuyết), Chu Lai; Tổ quốc nhìn từ biển (Thơ), Nguyễn Việt Chiến; Vũ khúc Tày (Thơ), Y Phương; Giọt nước trong lá sen (Chân dung văn học- đàm luận văn chương), Khuất Bình Nguyên; Nữ quyền ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại (Chuyên luận phê bình và nghiên cứu văn học), Trần Huyền Sâm; Lâu đài sói (tiểu thuyết- Hilary Mantel), Nguyễn Chí Hoan dịch.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.