Luật riêng “X+…” ở Hội Nhà văn Việt Nam

Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
TP - Chẳng phải đến khi nhà văn Trung Trung Đỉnh viết tiếp “ngõ lỗ thủng” xung quanh chuyện về hưu của mình, người ta mới rì rầm. Hội Nhà văn Việt Nam đã từng ồn ào chuyện giải thưởng, chuyện kết nạp hội viên…, bây giờ là chuyện nghỉ hưu theo luật riêng X+. Phải chăng vì “lạng lách” luật?

Lỗi tại… du di?

Trước những ồn ào quanh chuyện về hưu của Giám đốc NXB Hội Nhà văn, cơ quan cấp 2 của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa với tư cách Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, phụ trách công tác tổ chức của Hội trả lời báo chí: “Xưa nay cứ đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu. Cả nước có hàng triệu người nghỉ hưu.

Ở Hội Nhà văn cũng có bao nhiêu nhà văn nghỉ hưu. Nào có gì đâu. Ai chả có đến lúc như vậy. Tuổi hưu theo luật công chức (chính xác là Luật Viên chức - PV) là 60 với nam và 55 với nữ”. “Tuy nhiên ở Hội Nhà văn có sự du di, “thành X+2. Nghĩa là tuổi hưu cộng thêm 2 năm nữa. Nam là 62, nữ là 57” (vẫn lời ông Phó chủ tịch). Ông giải thích có sự du di này vì: “Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp” nên “Ban Chấp hành (BCH Hội Nhà văn - PV) đã thống nhất như vậy”.

Nhưng con số X+2 không bất biến, nó cũng lại tiếp tục… du di. Theo lời nhà văn Trung Trung Đỉnh và một số nhà văn trong Hội, Hội đã từng nâng X+4, thậm chí lên tới X+5, mới đến lúc về hưu. Trở lại với câu chuyện của Trung Trung Đỉnh, 67 tuổi mới chuẩn bị cầm sổ hưu thì tác giả “Ngõ lỗ thủng” cho biết: Đáng lý ông phải về hưu khi 60 tuổi nhưng do trúng cử vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8, nên theo điều lệ, ông ở lại làm việc cho đến hết nhiệm kỳ, nghĩa là thêm 5 năm nữa”. 

Trong quãng thời gian này, ông từng có đề nghị được nghỉ hưu theo đúng chế độ: “Nghỉ hưu lúc đó thậm chí thu nhập còn cao hơn hiện tại, vì ngoài phụ cấp của một ủy viên Ban Chấp hành phụ trách Nhà xuất bản, tôi còn được nhận lương hưu (đại tá quân đội), nhưng tại thời điểm đó nguyện vọng của tôi không được chấp nhận. Đến năm ngoái không trúng Ban Chấp hành nữa, tôi đã chủ động đề xuất việc tìm người thay thế vị trí giám đốc, nhưng cho đến tận lúc này, khi tôi có quyết định nghỉ hưu mà Hội vẫn chưa có phương án nhân sự”. Ông không chống quyết định về hưu mà chỉ buồn với cách thức cho ông về hưu. 

Trong bức thư dài gửi Ban chấp hành Hội nhà văn mà ông đặt tên là bức thư bất đắc dĩ, Trung Trung Đỉnh đã nói rõ nguyên nhân phản ứng của mình: Không bị kỷ luật sao phải bàn giao gấp, mà lại bàn giao cho người không được tín nhiệm? Sao cùng ba quyết định về hưu cho ba con người lại có người rành mạch về thời gian nghỉ, có người lại không? Tuy nhiên, hiện tại Trung Trung Đỉnh đã gạt bỏ mọi chuyện để nghĩ tới những cuộc vui chia tay đồng nghiệp.

Tuy nhiên, qua vụ việc lùm xùm, những người trong và ngoài Hội không thể không cùng nhìn lại vấn đề nguyên tắc ở Hội Nhà văn. Khi nhà thơ Trần Đăng Khoa trả lời: “Quyết định nghỉ hưu của anh Đỉnh không phải quyết định về hưu đầu tiên. Cách đây 6 năm, ngày 1/4/2010, Chủ tịch Hữu Thỉnh đã ký quyết định cho anh Đỉnh về hưu. Nhưng rồi, anh Thỉnh đã rút lại. Hiện quyết định vẫn được lưu trong công văn của Ban Tổ chức cán bộ”. 

Ra quyết định nghỉ hưu rồi  rút lại, (theo nhà văn Trung Trung Đỉnh đã kể, không chỉ có 1 mà có tới… 3 quyết định về hưu được nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra rồi… cất đi) để đến mức tuổi về hưu của cán bộ đạt tới con số khủng, phải chăng là một sự tùy tiện, thiếu nguyên tắc? 

Nếu Hội Nhà văn đừng vì “cơ chế đặc thù” rồi sinh ra luật riêng, du di tuổi hưu trí, trong khi Luật Viên chức (số 58/2010/QH12, ban hành ngày 29/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012) đã hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về tuổi về hưu, thời gian bàn giao công việc, hướng dẫn xử lí những bất trắc trong đời sống viên chức như đau ốm, bệnh hiểm nghèo…  thì đâu phải chịu ồn ào?

Thêm một lỗ thủng?

Hội Nhà văn Việt Nam có những đơn vị cấp 2 bề thế: Báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà văn, Bảo tàng Văn học, Nhà xuất bản, Hãng phim… Nhà thơ Lương Ngọc An, Báo Văn Nghệ, sau vụ “ngõ lỗ thủng” của Trung Trung Đỉnh, đã chính thức lên tiếng về vấn đề của đơn vị anh đang công tác: Phó tổng biên tập,  Bí thư chi bộ của báo này, đã quá tuổi về hưu vẫn chưa biết bao giờ về hưu. 

Nhà thơ cũng nêu một vấn đề khác: “Chưa bao giờ hội Nhà văn Việt Nam thực hiện cơ chế  tái bổ nhiệm. Bổ nhiệm thì có thời hạn song hết thời hạn giữ vị trí, phải tái bổ nhiệm vị trí phó tổng biên tập, chứ không ai lại ngồi chục năm liền một lèo cả”. Lãnh đạo báo mà nhà thơ Lương Ngọc An nhắc tới chính là nhà văn Thành Đức Trinh Bảo, sinh tháng 1 năm 1959. Kể cả có tính du di X+ 2, thì Phó tổng biên tập cũng đang “vượt đèn đỏ” nửa năm.

Qua những câu chuyện không vui này, sẽ có người đặt câu hỏi: Lãnh đạo  Hội nhà văn bao nhiêu tuổi phải về hưu? Thật khó trả lời nếu căn cứ tình hình thực tế ở Hội hiện nay.  Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chia sẻ cởi mở, anh từng được tham gia góp ý vào một văn bản trong đó có vấn đề tuổi về hưu của lãnh đạo các Hội, đối với các Hội ở Trung ương, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi. Nhưng nhà văn dân tộc Tày cũng không biết số phận của văn bản đó hiện nay ra sao, đã được ban hành hay chưa.

Nhìn sang các Hội: Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, lãnh đạo các hội đều trả lời, không có vấn đề du di tuổi về hưu ở Hội của họ. Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Hội của tôi, cứ đúng 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam là về, không thêm. Bọn tôi cứ theo đúng luật nhà nước, giám đốc cũng về, chánh văn phòng cũng về, không có cơ chế gì cả. Tôi cũng đã về hưu lâu rồi, còn “ghế” ở Hội do được bầu nên tôi làm thôi. Như vậy mới đúng tính chất hội nghề nghiệp. Một ví dụ khác, cô Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Mỹ thuật, khi về hưu chúng tôi thay tổng biên tập khác, còn chúng tôi ký hợp đồng với cô Bích Ngân làm giám đốc nhà xuất bản, trả lương theo kiểu, có từng ấy lương thôi, cô đồng ý thì làm”.

 NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng có ý kiến tương tự: “Bên tôi không xảy ra tình trạng lùm xùm khi về hưu. Cứ về hưu theo qui định nhà nước, đúng ngày, đúng tháng,  Thủ tục nghỉ hưu cũng tuân theo qui định nhà nước. Chẳng cộng thêm vài tháng, vài năm làm gì. To, bé gì đến ngày về hưu cũng đều nghỉ. Cộng vào mới chết”. 

Luật riêng “X+…” ở Hội Nhà văn Việt Nam ảnh 1
Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam:

Bọn tôi cứ theo đúng luật nhà nước, giám đốc cũng về, chánh văn phòng cũng về, không có cơ chế gì cả.

Luật riêng “X+…” ở Hội Nhà văn Việt Nam ảnh 2
NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam:

Chẳng cộng thêm vài tháng, vài năm làm gì. To, bé gì đến ngày về hưu cũng đều nghỉ. Cộng vào mới chết.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.