Câu hỏi nhức nhối của đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) vang lên giữa nghị trường - “Chuyện hôm nay có khác gì chuyện 15 năm trước?” – khi trích đọc một bài báo trên báo Sài Gòn Giải phóng năm 2000 do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết. Trong đó có đoạn: “Nông nghiệp nan giải, chưa lúc nào như hiện nay, người sản xuất nông nghiệp lại bị dồn vào thế bí như thế này. Vừa bị giảm giá lại ế hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, vừa phải lo đối mặt với diễn biến phức tạp ở hai miền đất nước”.
Còn ĐBQH, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ thì xót xa khi dưa hấu, hải sản tươi sống... của ta ùn tắc, bị thương lái Trung Quốc ép giá, “vỗ từng quả tại cửa khẩu Tân Thanh. Ông Huệ nhìn nhận đây là kết quả của bất bình đẳng thương mại, bởi nếu bên ta cũng có chợ (thay vì chỉ có chợ bên Trung Quốc) thì người Trung Quốc phải sang mua hàng hóa Việt Nam tại chợ Việt Nam (cũng như người Việt Nam đang sang Trung Quốc mua hàng Trung Quốc vậy). Do vậy đây là câu chuyện của chính sách đầu tư hạ tầng tại cửa khẩu thương mại, bao gồm khu trung chuyển, kho bãi đáp ứng việc bảo quản hàng hóa… chứ không thể đổ lỗi cho người nông dân được.
Đáng chú ý là nhận xét thẳng thắn của Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh về việc Bộ Công Thương phát động mua dưa hấu cho đồng bào miền Trung. Ông Vinh cho rằng, đó chỉ là “giải pháp tinh thần” chứ không có ý nghĩa về kinh tế, không có giải pháp từ gốc rễ.
Đáng ngạc nhiên, bài viết về tình trạng “nan giải” của nông nghiệp – vốn đang được coi là trụ đỡ của cả nền kinh tế - của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cách nay tới 15 năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Như vậy, ít nhất từ hàng thập kỷ nay các bộ ngành liên quan vẫn loay hoay giải bài toán “được mùa – rớt giá”, vẫn chưa tìm ra lời giải cho bà con nông dân. Năm nay, điệp khúc trên lại lặp lại với nhiều loại cây trồng, hoa quả từ cao su, thanh long, dưa hấu lại đến hành tím và bây giờ là mía tím.
Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ đã chỉ ra thực trạng bất bình đẳng thương mại giữa hai bên cửa khẩu. Còn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhận định hoàn toàn xác đáng về “giải pháp tinh thần” không hề có hàm lượng “kinh tế” của bộ Công Thương vừa qua. Vấn đề còn lại là bộ ngành liên quan sẽ hành động ra sao, sẽ triển khai các giải pháp căn cơ, gốc rễ đến đâu mà thôi.
Người nông dân vẫn khóc ròng bên thửa ruộng của mình, vẫn đang mòn mỏi trông chờ vào giải pháp của các bộ ngành được giao trọng trách này.