Giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ?

Giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ?
TPO - Theo các chuyên gia để xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường cần có thay đổi về cơ chế điều hành chính sách thuế, tránh kiểu tăng giảm vụn vặt, và cơ quan quản lý nhà nước nên để DN có thực quyền  trong việc định giá.

>> Phí thu với xăng dầu của VN: Thấp so với thế giới

Giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ? ảnh 1
Theo các chuyên gia, cần có nhiều thay đổi trong điều hành giá xăng dầu. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Méo mó do bị can thiệp?

Nhiều quan điểm vênh nhau trong việc xử lý những bất cập trong kinh doanh xăng dầu đã được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo ”Thị trường kinh doanh xăng dầu: Những vấn đề quản lý Nhà nước và kinh doanh hiện nay” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm 21/9.

Chỉ rõ hai điều bất cập trong cách điều hành giá xăng hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng việc điều hành giá bán các mặt hàng xăng vẫn do Nhà nước quy định dẫn đến việc hệ luỵ của quy định đăng ký, giá bán trong nước thường không bắt kịp giá thị trường; gây bất ổn thị trường do đầu cơ trước thông tin tăng giá; tạo ra tâm lý phản ứng khi có sự tăng giá.

Một nghịch lý hiện nay nữa là từ khi công bố chấm dứt bù giá đến nay, doanh nghiệp vẫn không có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản quy định. “Điều đáng nói là xã hội không thừa nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu là phải có lãi (dù rất thấp) như tất cả  các hoạt động kinh doanh khác, trong khi dễ dàng chấp nhận thông tin về  hoạt động ngân hàng có thể lãi hàng ngàn tỷ đồng trong 6 tháng năm 2009”- Ông Bảo nói.

Giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ? ảnh 2 Ở Việt Nam hiện nay, trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, giá vốn nhập khẩu chiếm 53-66%; các khoản thu của Nhà nước chiếm khoảng 30-42%; phần còn lại là phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, khoảng 4-5%. Các nước nhập khẩu xăng dầu đều xác định mức thu lớn từ các sản phẩm này (mức thu xấp xỉ 100% so với giá nhập như Hàn Quốc, Hồng Kông)Giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ? ảnh 3.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài chính.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài chính thẳng thắn: Việc Nhà nước can thiệp vào thị trường giá cả xăng dầu thông qua các công cụ tài chính đã làm cho hệ thống giá xăng dầu trong nước bị “bóp méo”.

Cơ chế giao quyền tự quyết định giá bán cho doanh nghiệp mới chỉ tháo gỡ một phần sự phụ thuộc, lúng túng của các doanh nghiệp khi giá xăng dầu lên hay xuống. Rõ ràng, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tự chủ khi còn phụ thuộc vào cơ chế xin ý kiến Liên Bộ Tài chính – Công thương.

Ông Ánh cũng cho rằng cơ chế điều hành chính sách thuế và các khoản thu khác cũng cần có sự thay đổi. Việc điều chỉnh tăng giảm thuế nhập khẩu trong thời gian qua không thật kịp thời, có tính vụn vặt, tình thế, chưa ổn định theo một nguyên tắc nền tảng nên đã làm giảm tác dụng của công cụ điều hành thị trường.

Ngoài ra việc điều chỉnh mức thu thuế cũng không đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các mặt hàng cũng dẫn đến gian lận thương mại và làm thất thu ngân sách. “Thuế nhập khẩu được sử dụng làm van điều tiết, được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở quan hệ biến động giữa giá thế giới và giá trong nước nên đã khó tạo ra môi trường ổn định cho kinh doanh của doanh nghiệp và khó ổn định nguồn thu ngân sách”- Ông Ánh cho biết.

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội cũng cho rằng việc điều chỉnh thuế kiểu “giật cục” cũng khiến doanh nghiệp nhiều phen bị sốc. Với việc tăng thuế thêm 5% thì một tàu dầu trị giá 10 triệu USD nếu về trước chỉ một ngày đã mang lại lợi nhuận rất lớn còn nếu về sau một ngày thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giảm đáng kể.

Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp ?

Liên quan đến việc điều hành giá, ông Ánh cho rằng việc xóa bỏ hạn chế trong việc cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng khi nhập khẩu xăng dầu đưa vào Việt Nam với giá thấp nhất. Cùng với đó phải tách bạch khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ.

Theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không được lập hệ thống bán lẻ của riêng mình và có trách nhiệm bán hàng và đối xử bình đẳng với mọi thương nhân muốn mua buôn xăng dầu về để bán lẻ. Các thương nhân bán lẻ xăng dầu được quyền chọn nhà nhập khẩu xăng dầu cấp hàng cho mình và cạnh tranh với nhau qua việc đưa ra mức giá bán lẻ thấp nhất.

Phân tích sâu hơn, ông Dung cho rằng cơ quan nhà nước đã xây dựng và ban hành khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhưng khi đi vào thực tế lại không thực hiện được.

Sự chồng chéo giữa các cơ quan, giữa các mục tiêu khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó xử. Bộ Tài Chính thì muốn có nguồn thu, muốn bình ổn giá còn Bộ Công Thương muốn bình ổn thị trường. Hiện cơ quan nhà nước đang làm thay doanh nghiệp trong việc điều hành giá. Nếu giao quyền cho doanh nghiệp thì chắc chắn giá sẽ điều chỉnh ít hơn mức giá nhà nước điều chỉnh.

Trước đề nghị áp dụng mức giá trần với mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết việc điều hành kinh doanh xăng dầu cần tính toán lợi ích của các bên. Hàng năm nhà nước phải chi 5% tổng chi ngân sách nhà nước để bù lỗ cho xăng dầu. Tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng là thực trạng bức bối trong khi NĐ 55 về kinh doanh xăng dầu chưa hoàn toàn khắc phục được những bất cập trên. Ông cho rằng trong chính sách điều hành không thể ấn định thuế cứng mà phải áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt.

Đề nghị quy định trần giá bán lẻ xăng dầu theo thời điểm

TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng nên áp dụng cơ chế Chính phủ công bố trần giá bán lẻ xăng dầu theo thời điểm tính trên cơ sở công thức: Giá bán lẻ = Giá nhập CIF x tỷ giá + các khoản phải nộp + phí lưu thông (Trong đó, giá nhập CIF là giá bình quân giản đơn trong 30 ngày của giá mua FOB xăng dầu kỳ hạn sau 1 tháng tại thị trường Singgapore cộng với các khoản phí vận chuyển, bảo hiểm về tới cảng Việt Nam).

Theo đó, khi giá bán lẻ xăng dầu tính theo công thức trên biến động trong khoảng 5-15% thì Chính phủ công bố trần giá bán lẻ mới. Khi giá bán lẻ xăng dầu tính theo công thức trên biến động trên 15% thì Chính phủ cân đối để công bố trần giá mới và công bố giảm khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Khoản giảm nộp vào ngân sách nhà nước do Nhà nước qui định đủ để đảm bảo mục tiêu bình ổn giá xăng dầu và doanh nghiệp hạch toán đầy đủ nhưng không thay đổi thuế suất. Thời gian giữa 2 lần công bố tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu không được ngắn hơn 15 ngày.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.