> Giá dược liệu đông y đang tăng vùn vụt
Sự thật là các bộ ngành có triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng đến nay vẫn còn hàng loạt tồn tại trong quản lý giá thuốc. Có thể kể đến việc công bố giá thuốc tối đa làm giá thuốc tăng, xáo trộn thị trường; việc quy định nguyên tắc để xác định các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam bị cho không khả thi.
Rồi lực lượng thanh tra dược quá mỏng; thị trường dược phẩm phụ thuộc giá thế giới... Rồi chưa có quy định riêng về đấu thầu thuốc; hoạt động khuyến mãi thuốc gây bức xúc trong dư luận. Và rồi chế tài xử lý quản lý giá thuốc chưa mạnh...
Hiện trong hơn 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành tại Việt Nam, không dưới một nửa là thuốc ngoại. Trong đó, có hơn 1.000 loại thuốc độc quyền mà Việt Nam có khả năng sản xuất nhưng không thể thực hiện vì vướng quy định.
Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận quản lý giá thuốc còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như tình trạng kê khai giá đón đầu; mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, không hóa đơn chứng từ; biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm.
Cũng nhiều lần, lãnh đạo Bộ Y tế tuyên bố “sẽ ban hành quy định thặng số bán buôn, bán lẻ trên một số mặt hàng thuốc thiết yếu”. Vậy nhưng, cho đến nay, câu chuyện quy định thặng số vẫn còn trong ý tưởng.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), muốn tăng giá thuốc thì doanh nghiệp phải xin kê khai lại và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý thì mới được tăng nếu không sẽ bị xử phạt. Thế nhưng trong đợt kiểm tra thị trường thuốc ngày 3-3-2011 của Sở Y tế Hà Nội đã có một thực tế xảy ra là giá thuốc bán buôn, bán lẻ được cập nhật thời điểm này chỉ bằng, thậm chí thấp hơn giá doanh nghiệp đã kê khai 3 năm về trước.
Theo Pháp lệnh Giá, Luật Dược, nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp dược hiện nay sẽ căn cứ vào giá nhập khẩu (giá CIF), cộng thêm tỉ giá ngoại tệ hiện thời, cộng thêm các chi phí phát sinh (30%) để định giá thuốc bán trong nước. Ngoài ra, giá thuốc khi vào các cửa hàng bán lẻ đều phải cộng thêm ít nhất 10% chi phí hoa hồng.
Điều này giải thích vì sao, trong 3 năm qua, giá thuốc dù đã điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn thấp hơn giá doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Quản lý Dược. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật và tăng giá thuốc mà cơ quan chức năng không thể xử lý được. Còn người tiêu dùng thì hứng chịu mọi gánh nặng từ việc giá thuốc tăng.
Được biết, nhằm đưa ra các giải pháp quản lý giá thuốc năm 2011 có hiệu quả, tổ công tác liên ngành Y tế - Tài chính sẽ tăng cường xem xét việc kê khai, kê khai lại giá thuốc; tiếp tục công khai kịp thời giá thuốc của các doanh nghiệp đã được tổ công tác liên ngành xem xét, giá thuốc trúng thầu năm 2011 của các bệnh viện, lên website của Cục Quản lý Dược theo quy định. Nhưng cũng phải chờ xem liệu pháp này liệu có thu nhỏ kẽ hở luật pháp tồn tại bao năm qua không.