Có phóng viên hỏi “Liệu có cần số tiền lớn như thế để bảo vệ môi trường?”. Ông Nguyễn Văn Tài, khi đó là Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (nay là Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho hay “Dù phải chi rất nhiều tiền, nhưng trong xu thế ô nhiễm ngày càng gia tăng, nếu không mạnh tay thì đến lúc không còn gì để bảo vệ”.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phải trả giá rất đắt cho ô nhiễm môi trường. Từ đầu năm, đợt lũ lụt lịch sử 40 năm qua khiến Quảng Ninh thiệt hại 2.500 tỷ đồng, hạn hán kéo dài khiến 50 nghìn dân Ninh Thuận thiếu đói và thiếu nước. Các chuyên gia chỉ ra, nguyên nhân của hai thiên tai này đều bắt nguồn từ biến đổi khí hậu mà sâu xa là do ô nhiễm môi trường.
Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ dài 8,7 km nhưng để khôi phục dòng sông này, TPHCM đã phải chi tới 600 triệu USD (hơn 12 nghìn tỷ đồng) ở hai giai đoạn.
Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Ngoài ra, Việt Nam còn phải chi ra 780 triệu USD (gần 16 nghìn tỷ đồng) cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên.
Ô nhiễm môi trường cùng với sự gia tăng của thiên tai dị thường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ra xáo trộn trong xã hội, thiệt hại trực tiếp về kinh tế mà còn thông qua tác động dây chuyền ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô. Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “Các chuyên gia môi trường quốc tế cảnh báo, trong 10 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, thậm chí có thể 4-5 lần, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP”.
Những tác động của ô nhiễm môi trường không còn xa xôi mà hiện hữu ngay trước mắt chúng ta. Có chuyên gia nói “chính chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho hành động gây ra với môi trường chứ không phải đợi đến thời con cháu chúng ta”.