Gia đình bé mọn của Dạ Ngân

Gia đình bé mọn của Dạ Ngân
Cặp vợ chồng nhà văn ở Việt Nam không hiếm, nhưng có một cuộc sống gia đình tương đối "phức tạp" như nhà văn Dạ Ngân và chồng - Nguyễn Quang Thân thì quả là không nhiều!

Tổ ấm của hai nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân - “cặp vợ chồng son” luống tuổi - là một căn gác có tới 10 cửa sổ ở ngoại vi Hà Nội, trên nóc nhà có 60m2 trồng rau sạch, cây cối um tùm.

Rời bàn viết, nhà văn Nguyễn Quang Thân tìm những niềm vui nho nhỏ trong việc tưới tắm mấy cây rau. Vài năm nữa Dạ Ngân về nghỉ hưu, có thể họ sẽ vào Nam sống để chị được gần gia đình - bù đắp những năm tháng chị phải xa con.

Nhà văn Dạ Ngân vừa cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”- một cuốn sách được đồn rằng chính là câu chuyện về tình yêu của chị và nhà văn Nguyễn Quang Thân. “Gia đình bé mọn” vừa vinh dự nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” có phải chính là câu chuyện về tình yêu của chị và nhà văn Nguyễn Quang Thân?

Tôi không nghĩ đây là một cuốn sách về tình yêu. “Gia đình bé mọn” là cuốn tiểu thuyết về đề tài hậu chiến. Sống trong đất nước của những cuộc chiến kéo dài, thân phận người Việt nào cũng có một quá khứ chung là chiến tranh, chiến tranh ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ, còn dấu vết cho tới tận bây giờ.

Tôi viết “Gia đình bé mọn” với tâm thế ấy, chứ không phải ca ngợi hay lý giải cho một chuyện tình. Khung xã hội trong tiểu thuyết này khá rộng. Câu chuyện tình yêu xuyên suốt tập sách là chuyện tình của một đôi tình nhân luống tuổi. Thân phận, quá khứ và các tâm trạng của họ đều trĩu nặng những thế sự…

Tôi không thay đổi tiểu sử, nhân thân cho các nhân vật nguyên mẫu, tôi nói các nhân vật vì tiểu thuyết nó vốn ôm được nhiều con người, nhiều số phận. Hai nhân vật nam và nữ là nhà văn bởi những sóng gió của họ cũng bắt đầu từ hệ lụy của nghề văn mà ra.

Họ quyết liệt, cực đoan, đắm đuối đến thế cũng bởi họ là nhà văn. Khi viết những chương nói về công việc, lý tưởng nghề văn của nhân vật chính là Tiệp, tôi rất thích.

Là những trải nghiệm của chính cuộc đời chị, hẳn “cuộc sinh thành” Gia đình bé mọn rất nhiều vật vã?

Tôi viết “Gia đình bé mọn” theo kiểu ốc sên, cứ leo lên lại tụt xuống. Tôi viết đi viết lại rất nhiều lần rồi lại bỏ, năm nào cũng viết rồi bỏ, năm lần bảy lượt như vậy. Khi không viết được cứ thấy ấm ách như người mắc nợ.

Khi bắt đầu cầm bút viết, tôi đã biết đây là tác phẩm rất quan trọng trong đời văn của mình. Nếu chưa kết thúc nó, tôi chưa thể làm được gì. Nó cứ “mắc kẹt” như vậy chỉ vì lý do không có thời gian dành trọn vẹn cho việc hoàn thành nó.

Năm 2004, tôi lên Đại Lải 20 ngày, một mình một “cõi” viết mỗi ngày một chương. Tôi xóa hết kết quả viết lách của 5 năm, bắt tay lại từ đầu. 20 ngày ấy tôi không màng đến tiện nghi là điện thoại, tôi trốn chồng và bạn bè, tôi không có cảm giác về mọi thứ bên ngoài mình, khi ăn cũng không biết mình đang nhai cái gì.

Khi viết, tôi chay tịnh theo đúng nghĩa đen, ăn sợ thịt thà, sợ no nê.  Sau đúng 20 ngày, tôi đặt dấu chấm cuối cùng cho “Gia đình bé mọn”. Rồi sau đó, về nhà sửa chữa trên máy tính chen với việc công sở mất vài tháng nữa.

Sau 12 năm chung sống, điều gì đã giữ cho Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân vẫn “Yêu nhau một cách dị thường”?

 Có lẽ đơn giản vì chúng tôi yêu nhau quá. Bà cô tôi tiên đoán từ khi tôi còn nhỏ rằng, mẫu đàn ông của tôi phải là người đứng tuổi, có trí tuệ, lành mạnh về tinh thần… tôi yêu anh Thân là gặp được đúng người.

Nhưng hai nhà văn ở với nhau cũng va chạm chan chát ấy chứ: Khác vùng miền, con riêng, chủ kiến mạnh và sự cực đoan của mỗi người, cuộc sống giữa một Hà Nội khắc nghiệt như thế này…

Nói thật, có nhiều điều ở anh Thân cũng không hoàn hảo: Dấu ấn vùng miền trong tính cách, sự cực đoan, tính căn cơ gay gắt, sự ồn ào về dòng họ… nếu nhìn dưới khía cạnh tiêu cực thì tôi sẽ phải cảm thấy buồn khổ. Nếu cho những “tiêu cực” ấy là nét chính trong người đàn ông của mình thì sẽ thấy mình bất hạnh.

Nhưng nếu cho nó là chuyện vặt thì những khiếm khuyết sẽ chỉ là chi tiết buồn cười, và mình hoàn toàn hạnh phúc với “quà tặng” mà số phận trao cho mình. Bí quyết của sự chung sống là hãy nhìn vào những đức tính quan trọng của nhau, lấy điều đó làm nền tảng của cuộc sống lứa đôi. Việc điều hòa mâu thuẫn luôn nằm trong tay  người phụ nữ.

Chuyện “con anh con tôi” thường là điểm nhạy cảm phát sinh mâu thuẫn của các đôi vợ chồng “tập 2”, cho dù họ rất yêu nhau. Anh chị đã ứng xử như thế nào về chuyện con riêng?

Tôi không phân biệt đối xử, luôn công bằng và chăm chút con chồng. Tôi rất tự tin với sự công tâm của mình trong việc đối xử với các con và gia đình lớn của anh Thân. Công sức ấy vất vả không thua chuyện viết văn, khi tôi gánh trên vai những trách nhiệm của con dâu trưởng: Việc nhà thờ, mồ mả, giỗ chạp, các việc lễ nghĩa trong họ mạc…

Ngược lại, tình cảm của anh Thân với các con tôi cũng rất sâu sắc. Các con tôi hiểu anh rất thương chúng nó, và thế là đủ. Tình thương ấy có nền tảng của hơn 20 năm gắn bó về tinh thần, thời gian các con tôi hiểu ba Thân còn nhiều hơn chúng hiểu và sống với cha ruột.

Quan trọng hơn, các con tôi chúng biết ba Thân yêu mẹ chúng nó quá. Khi vợ chồng chúng tôi đi chơi, người ta hay hỏi “anh chị có bao nhiêu cháu”, chúng tôi luôn nói “5 đứa”. Thực sự trong tình cảm của chúng tôi luôn trọn vẹn cả 5 đứa con.

Trở lại ngày chị 30 tuổi, nếu không gặp mối tình quá lớn ấy, liệu chị có yên phận với “cuộc hôn nhân do chiến tranh thu xếp” của mình?

Nếu không gặp anh Thân tôi cũng không thể tiếp tục cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên. Chúng tôi quá khác nhau, một người phụ nữ quyết liệt như tôi chắc chắn sẽ không chịu đựng để tiếp diễn cuộc sống không bắt nguồn từ tình yêu ấy.

Đọc “Gia đình bé mọn”, hẳn bạn nhớ sự dấn thân của Tiệp (nhân vật nữ chính) - “Trái tim mình nhất thiết phải được biết đến một tình yêu đích thực là như thế nào”…

Giới văn chương vẫn đồn tình yêu của Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân “hoang đường như cổ tích”…

Tôi yêu anh Thân khi mới là một thiếu phụ 30 tuổi, lúc về với nhau đã gần hết tuổi xanh (Dạ Ngân 41 tuổi, Nguyễn Quang Thân 58 tuổi). 11 năm yêu nhau với khoảng cách hơn 2.000 cây số, thư từ gửi phải qua một trạm trung chuyển, điện thoại thì chỉ công sở mới có. Chúng tôi dù có nhớ nhung phát điên cũng không dám điện thoại vì sợ lộ chuyện tổ chức sẽ cho ăn đòn, mà họ cũng đã thường xuyên cho tôi ăn đòn rồi.

Làm việc và dồn góp tiền để một hoặc hai năm đi thăm nhau được một lần, gặp nhau không có chỗ riêng tư, phải ở tá túc nhà bạn bè… đó chỉ là vài chi tiết khái quát về những cơ cực chúng tôi đã trải qua để đến được với nhau. Chúng tôi ơn sự cưu mang của bạn bè nhiều lắm.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã bị “hạ gục” trước Dạ Ngân vì…

Tôi có phẩm chất làm vợ tốt. Anh Thân biết điều đó. Chứ còn văn chương, nhan sắc thì ở Hà Nội đâu thiếu. Tôi luôn tự hào về phẩm chất “nội tướng” được thừa hưởng từ những người phụ nữ trong gia đình mình, những người phụ nữ được nuôi dưỡng trong nền văn hóa miệt vườn không bị hỗn tạp. Họ nền nã, gia giáo, biết khoan biết nhặt, rất linh hoạt và quyết đoán trong ứng xử với đời sống.

MỚI - NÓNG