Sao bắt dân phải “gánh”?
Hai tháng nay, cùng với thời tiết nắng nóng, tiền điện của người dân cũng tăng đột biến, khiến họ bức xúc. Nhiều người cho rằng, biểu giá điện bậc thang hiện nay không phù hợp với thực tế nên cần thay đổi.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Việc tính giá điện lũy tiến chỉ được áp dụng với nước thiếu nguồn cung, nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm.
Tuy nhiên, việc tính lũy tiến phải phù hợp với tình hình kinh tế và nhu cầu của người dân. Theo ông Doanh, ngành điện nói giá điện nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, nên phải tăng để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, chỉ giá điện được đưa ra so sánh, trong khi thu nhập người dân không được tính tới (thu nhập người dân Singapore gấp nhiều lần Việt Nam).
“Nói giá điện Việt Nam chưa hợp lý, nhưng thu nhập của người dân có được tính bằng USD không, có bằng nước khác không để so sánh với giá điện nước họ? Không nên tuyệt đối hóa lập luận cả vú lấp miệng em để bênh ngành điện. Không ai muốn ngành điện sụp đổ, nhưng tại sao lại bắt người dân phải gánh chịu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)?”, ông Doanh nói.
Theo vị chuyên gia này, việc tính thang giá điện cần xem xét lại, đặc biệt khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mức sống người dân tăng lên và nhu cầu điện tối thiểu cũng tăng. “Cần phải tính lại giá điện, điều chỉnh cách tính thang lũy tiến lớn hơn”, ông Doanh nói. Theo ông, trước những bức xúc của người dân về cách tính giá điện, ngành điện và cơ quan quản lý không nên có thái độ vô cảm, không nên nói tại dùng nhiều nên phải trả nhiều. Ngành điện và cơ quan quản lý cần xem xét thỏa đáng, vì điều kiện người dân tăng, cùng với khí hậu là bất khả kháng, người dân không thể không dùng điện. Trong khi đó, những thất thoát, lãng phí, chi phí sản xuất… của ngành điện quá lớn, dù EVN đã hứa giảm nhưng tới nay kết quả thế nào vẫn chưa được giám sát, công khai.
Ngoài ảnh hưởng tới người dân, ông Doanh cũng cảnh báo, việc tính giá điện thiếu hợp lý còn khiến sức cạnh tranh của hàng Việt giảm. “Đồng ý tính lũy tiến, nhưng cần vừa phải, và phải tính tới nhu cầu thật của người dân, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu không, giá đó chỉ có lợi cho ngành điện còn nền kinh tế phải chịu thiệt hại”, ông Doanh nói.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, chỉ một số nước dư thừa nguồn cung điện mới tính càng dùng nhiều giá càng giảm. Với Việt Nam, do nguồn cung điện đang thiếu hụt nên phải tính theo thang giá tăng dần để người dùng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Bộ Công Thương vừa đá bóng, vừa thổi còi
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho biết, ngoài tính điện theo thang, hiện có nhiều nước áp dụng tính điện theo giờ; điện dùng giờ cao điểm sẽ đắt hơn giờ thấp điểm. Để người dân được lợi, theo ông Vịnh, chỉ có xây dựng thị trường điện cạnh tranh trong sản xuất, mua bán. Lúc đấy, giá điện sẽ rẻ hơn.
“Đồng ý tính lũy tiến, nhưng cần vừa phải, và phải tính tới nhu cầu thật của người dân, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu không, giá đó chỉ có lợi cho ngành điện còn nền kinh tế phải chịu thiệt hại”.
TS Lê Đăng Doanh
Còn TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu, kiêm cơ quan quản lý nhà nước, người giám sát EVN. “Rõ ràng Bộ Công Thương đang vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ này chưa bao giờ từ chối đề xuất tăng giá điện của EVN. EVN là Bộ Công Thương và ngược lại”, ông Doanh nói. Theo ông Doanh, cần tách cơ quan quản lý điện khỏi Bộ Công Thương (có thể thuộc Quốc hội) để giảm sát, điều tiết điện như một số nền kinh tế thị trường khác.
Về biểu giá điện, ông Doanh cho rằng, không nên để EVN tự tính toán và đề xuất rồi áp dụng, thay vào đó bằng cơ quan độc lập, như Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện người dân đã có mức sống cao hơn, nhà có ti vi, tủ lạnh là bình thường, nên giá điện cần tính toán lại cho hợp lý hơn. “Chúng tôi đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm nay sẽ trình Chính phủ thông qua để áp dụng”, ông Vượng nói.
Theo đó, phương án biểu giá điện mới sẽ theo hướng đơn giản và tiện lợi cho cả người dân và ngành điện. Cụ thể, sẽ giảm số bậc thang tính giá, thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 kW/h (số điện) vẫn được giữ để đảm bảo có lợi cho người nghèo, người sử dụng ít điện, chỉ giảm số bậc với thang điện mức cao trên 50 kW/h.
“Với cách tính mới, có thể hộ dùng từ 50 tới dưới 400 số điện sẽ phải chi nhiều hơn mức hiện tại; những hộ dùng trên 400 số điện sẽ chi trả giảm đi. Dù phương án nào cũng có đối tượng bị ảnh hưởng”, ông Vượng nói.