ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương:

Không trông đợi gì từ báo cáo về tăng giá điện của EVN

Đọc chỉ số công tơ điện. Ảnh: Như Ý
Đọc chỉ số công tơ điện. Ảnh: Như Ý
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc đẩy sớm lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ngày nào sẽ giúp người dân hưởng lợi ngày đó.  

Ông đánh giá thế nào về trả lời của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng xung quanh việc điều hành giá điện trong thời gian qua? Phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có làm ông hài lòng?

Bộ Công Thương yêu cầu ngành điện báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội thì họ phải báo cáo, “xào nấu” thế nào để hợp tình hợp lý. Những gì có lợi cho ngành điện thì báo cáo. Tôi chả trông đợi gì từ những báo cáo đó.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

Giờ đánh giá trả lời của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khó lắm. Giá điện thực ra Chính phủ đã có tính toán rồi. Chất vấn tại hội trường cũng rõ ràng rồi. Việc điều hành giá điện giờ theo lộ trình. Năm 2012 bắt đầu phát điện cạnh tranh, năm 2016 bắt đầu bán buôn cạnh tranh và đến năm 2021 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bộ Công Thương đã đưa ra lộ trình rồi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói rồi, lộ trình này càng kéo dài thì giá điện càng tăng. Người dân rất trông chờ vào việc thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Khi đó người dân sẽ được lợi. Còn giờ so sánh giá điện của Việt Nam với thế giới thì cũng rất vô cùng. Họ có đủ lý lẽ.

Không trông đợi gì từ báo cáo về tăng giá điện của EVN ảnh 1

Kiểm tra đồng hồ đo điện tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi đã nói trong phiên chất vấn: Lần tăng giá điện nào cũng có lý cả. Có lần nào không có lý đâu. Các ông ấy (ngành điện - PV) khôn chán, chọn cả thời điểm để tăng giá điện. Khi tăng giá điện, các ông ấy nói chỉ tăng giá điện bình quân 7,5%, nhưng làm gì có gia đình nào chỉ phải trả thêm 7,5% tiền điện đâu. Rất hiếm! Tăng ít nhất cũng mười mấy, hai chục phần trăm. Rồi ông ấy  tăng vào đầu hè rồi giải thích trời nóng, do nóng bức dân dùng điều hòa nhiều nên hóa đơn tiền điện tăng, rồi thế nọ thế kia, thiếu gì lý do. Giờ đánh giá khó lắm.

Tôi nghĩ cũng vì người dân mà chất vấn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình giá điện theo thị trường lên để cho dân đỡ khổ chứ cũng chả biết làm thế nào. Thực ra việc chất vấn và trả lời chất vấn như thế, tôi nghĩ, cũng là rõ ràng. Cái chính là rồi lộ trình đó có thực hiện được hay không thôi?

Từ trước đến nay, trong các kỳ họp Quốc hội, cá nhân ông và các đại biểu khác có nhận được báo cáo về hoạt động và hiệu quả đầu tư của EVN?

Làm gì có. Tự tìm hiểu và chất vấn thôi. Nếu mình yêu cầu thì họ cũng gửi cho mình nhưng phải nói không có gì chứng minh báo cáo đó hoàn toàn là sự thật. Đấy là báo cáo của ngành điện. Bộ Công Thương yêu cầu ngành điện báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội thì họ phải báo cáo, “xào nấu” thế nào để hợp tình hợp lý. Những gì có lợi cho ngành điện thì báo cáo. Tôi chả trông đợi gì từ những báo cáo đó.

Tôi chất vấn như vậy để đôn đốc việc xóa bỏ độc quyền, để người dân đỡ khổ. Chất vấn cũng có thể coi là cách đôn đốc của Quốc hội, của Chính phủ để các bộ ngành quan tâm. Tôi cũng không dám đặt mục tiêu gì cao hơn cả.

Nhưng cá nhân ông và các đại biểu Quốc hội có hướng đến đề xuất lập một Ủy ban giám sát các lĩnh vực độc quyền như giá điện, giá xăng dầu?

Cái đó người ta nói mãi rồi nhưng Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội không đề nghị thì thôi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG