Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải bảo đảm quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Về thu thập tài liệu, chứng cứ, bà Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy: Nghị quyết 27 của Trung ương về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của tòa án.

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải bảo đảm quyền con người ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Như Ý).

Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, nêu rõ, nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho tòa án thu thập, dẫn tới nhiều tòa án quá tải công việc. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ.

“Thực tiễn cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án”, bà Nga nói.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và một số cơ quan, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng: Quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.

UBTVQH đề nghị cho giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Do còn có ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Ghi âm, hình phiên khai mạc, phiên họp và tuyên án

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, bà Nga cho biết: Có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải bảo đảm quyền con người ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: Như Ý).

UBTVQH nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý theo hướng: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định về việc tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp.

Một số ý kiến UBTVQH cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành.

Một số ý kiến của UBTVQH và TANDTC đề nghị quy định (khoản 3 Điều 141) theo hướng: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…; đồng thời, bổ sung quy định tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn…

MỚI - NÓNG
Tắm rừng được nhiều người làm nghệ thuật lựa chọn vì nó có khả năng kích thích các ý tưởng sáng tạo
Du lịch ôm cây để chữa lành
TP - Thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một trò “điên” gì khác của giới trẻ, song trên thực tế, việc ôm cây trong nghi thức tắm rừng đang trở thành một liều thuốc ngon, bổ, rẻ cho những tâm hồn cần sắp xếp, làm mới lại mình. Xu hướng này bắt đầu từ Nhật Bản và hiện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam.