Dự thảo quy định mới về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Lo ngại bị lợi dụng để gây khó dễ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mới đây, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đáng chú ý, tại khoản 3, Điều 141 dự thảo luật này quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Tại hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, khi tổ chức phiên tòa, HĐXX phải đảm bảo 3 yêu cầu, gồm: Đúng luật; chất lượng; nghiêm túc. Vậy nên HĐXX phải quy định việc đưa tin, truyền thông về phiên tòa.

Theo Chánh án, lúc đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta bị phân tán. Bản thân HĐXX, kiểm sát viên, luật sư cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông không đẹp nhưng trong quá trình xét xử họ phải nhăn mặt, nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện khi chủ tọa phiên tòa cho phép nhằm đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông…

“Dự thảo luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan mà chỉ điều chỉnh truyền thông trong phiên tòa xét xử. Còn ra hành lang, phỏng vấn ai, đưa tin thế nào là việc của truyền thông, tòa không điều chỉnh, không ngăn cản”, ông Bình phát biểu.

“Mâu thuẫn với Luật Báo chí

Tuy nhiên, quy định nêu dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã gây ra những băn khoăn nhất định.

Dự thảo quy định mới về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Lo ngại bị lợi dụng để gây khó dễ ảnh 1

Phóng viên tác nghiệp vụ án Việt Á bên ngoài phòng xét xử TAND TP Hà Nội

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội) cho rằng, dự thảo Luật không quy định rõ trường hợp nào chủ tọa không đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình.

“Điều này không loại trừ chủ tọa phiên tòa lợi dụng quy định pháp luật để gây khó dễ, hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên báo chí; đồng thời, gây mâu thuẫn với Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của Nhà báo”, luật sư lập luận.

Theo luật sư Tiền, không nên hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Bởi lẽ, ghi âm, ghi hình là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng góp phần xây dựng việc giải quyết vụ án khách quan, dân chủ.

Mục đích của hoạt động ghi âm, ghi hình là điều cần quan tâm vì cá nhân, tổ chức ghi âm, ghi hình ngoài mục đích nhằm giám sát khi sử dụng phải được sự đồng ý của họ; nếu sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín, nhân phẩm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo quy định.

“Phải chăng, nên đặt ra trường hợp hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa khi đối tượng là người chưa thành niên hoặc vì lý do giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; giữ bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân theo yêu cầu chính đáng của họ”, luật sư Tiền nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho rằng, Luật báo chí cho phép nhà báo được hoạt động nghiệp vụ tại các phiên tòa xét xử công khai; bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…

Hiện nay, tòa án xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp, lượng thông tin rất lớn, nếu nhà báo không được ghi âm, ghi hình sẽ gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin, dễ gặp nhiều rủi ro.

Mặt khác, phóng viên báo chí đưa tin về diễn biến phiên tòa là một phần không thể thiếu để “phổ biến pháp luật, giúp người dân giám sát hoạt động xét xử”.

Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trong đó nêu rõ: Vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên tòa quy định cụ thể tại Điều 141 dự thảo luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí, trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động của phiên tòa của công dân. Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.