Gặp rắc rối vì kết bạn qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Anh P.M.T, 32 tuổi, Hà Nội đang lướt mạng xã hội thì bất ngờ nhận được lời mời kết bạn. Tài khoản có ảnh đại diện là nữ, khuôn mặt xinh xắn, trẻ trung, hấp dẫn nhắn tin làm quen.

Sau vài ngày trò chuyện thân mật, anh T, nhận được video call - (cuộc gọi có hình ảnh- PV) từ tài khoản kia. Lấy lí do đã nói chuyện được vài ngày và nảy sinh tình cảm, đối tượng bắt đầu gạ gẫm. Ngay sau cuộc gọi, một tài khoản khác (có hình đại diện là đối tượng xã hội, xăm trổ) liên lạc và gửi anh T, một đoạn video có mặt anh bị ghép vào clip nhạy cảm. Đối tượng này doạ dẫm: Nếu không chuyển 70 triệu đồng, video nhạy cảm đó sẽ được gửi cho bạn bè anh T.

Lấy lí do cần thời gian chuẩn bị tiền, anh T, xin các đối tượng hoãn khoảng 1 ngày để tìm cách xử lý. “Tôi tìm hiểu thấy có một số người bị rơi vào tình cảnh tương tự. Nếu mình chuyển lần 1, chúng sẽ lại yêu cầu chuyển tiếp, vì thế nên tôi quyết định không chuyển. Thế là video nhạy cảm đó cũng bị chuyển lên mạng, rồi đến người thân, bạn bè. Tôi phải lên tiếng giải thích mãi thì họ mới hiểu. Đó là “quả đắng” nhớ đời!”, anh T, cho biết.

Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM đã tiếp nhận được một trường hợp bị tống tiền lên đến 450 triệu đồng với cách thức tương tự. Ngay sau đó, cơ quan này đã đưa ra khuyến cáo người dân, nhất là nam giới, phụ nữ độc thân về hiện tượng lừa đảo làm quen trên mạng xã hội sử dụng công nghệ AI trên.

Trường hợp như anh T không phải là hiếm. Trên một diễn đàn, anh M.Đ, 34 tuổi, Hà Nội chia sẻ việc đang bị một số đối tượng cắt ghép hình ảnh vào video nhạy cảm, phát tán và tống tiền. Kèm với đó là lời khuyên cần phải cảnh giác với người lạ kết bạn làm quen. “Tôi công khai hình ảnh cá nhân và cả số điện thoại lên mạng xã hội để phục vụ công việc. Có lẽ từ đó, chúng có thông tin của tôi. Tôi nhận được video nhạy cảm có ghép mặt qua ứng dụng telegram. Chúng yêu cầu đưa 5 triệu đồng. Tôi từ chối, lập tức video đó được chuyển cho người thân, bạn bè. Tôi đành phải lên tiếng đính chính để tránh hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự”, anh Đ, cho biết. Bạn anh cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự, và vì sợ ảnh hưởng nên đã chuyển các đối tượng lừa đảo nhiều lần với số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng.

Cẩn trọng tham gia mạng xã hội

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng giải pháp bảo mật, Cty Cổ phần Công nghệ An ninh Không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết, các đối tượng lừa đảo chủ yếu dựa vào các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,... để thu thập những thông tin, hình ảnh về bạn bè và người thân của nạn nhân được công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế, chúng dễ dàng tiếp cận được các nạn nhân.

“Để tránh là “con mồi” cho những đối tượng lừa đảo kiểu này, chúng ta cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh công khai, lựa chọn và kiểm soát bạn bè trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, người dùng mạng xã hội cần cẩn thận khi truy cập vào những đường link, ứng dụng lạ vì chúng có thể sử dụng quyền ẩn để thu thập và chiếm đoạt thông tin tài khoản”, ông Quân cảnh báo.

MỚI - NÓNG