Gặp 'phù thủy' chế tạo máy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ học hết lớp 7 nhưng bằng bàn tay khối óc tài hoa, cùng kinh nghiệm thực tế và cả sức ép … “vỡ nợ”, anh thợ cơ khí Phạm Văn Hát trở thành nhà sáng chế 41 máy móc nông nghiệp cực kỳ đơn giản mà hữu ích. Sản phẩm của anh được bán ra hơn 10 nước. Anh được Chủ tịch nước tặng huân chương, các bộ ngành vinh danh.

Chàng thợ cơ khí vỡ nợ thể hiện mình ở Israel

Từ Hà Nội, theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 60km, tôi đến xưởng của nhà sáng chế Phạm Văn Hát (51 tuổi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Tiếng búa, tiếng khoan, hàn của công nhân xập xì, loảng xoảng một vùng, còn anh Hát đang lúi húi với chiếc máy đặt hạt trên khay.

Vừa làm, anh vừa chia sẻ, từ khi khởi nghiệp vào năm 2012, anh đã sáng chế được 41 loại máy nông nghiệp. Anh tự nhận, các loại máy của mình đều có tính thực tiễn rất cao, dễ sử dụng trên đồng ruộng và phù hợp với lối canh tác nông nghiệp của các địa phương, giá cả lại phải chăng, phù hợp với túi tiền của người nông dân.

“Sản xuất máy cho bà con nông dân chân lấm tay bùn nên tôi đề ra triết lý trong sáng chế: “Đơn giản, bền, dễ sửa chữa, dễ thay thế phụ tùng, giá thành rẻ”. Những máy tôi phát minh chủ yếu điều khiển bằng các thiết bị cơ, không sử dụng thiết bị điện tử, nên giá thành rẻ, bà con dễ dùng, dễ bảo quản sau mùa vụ. Nếu có hỏng hóc, bà con tự mua thiết bị thay thế, không cần thợ sửa chữa. Mỗi chiếc máy tôi sáng chế có giá thành chỉ rẻ bằng ½ so với các máy cùng loại bán trên thị trường”, anh Hát cho hay.

Chạy thử xong chiếc máy đặt hạt trên khay, anh nghỉ tay, pha nước mời khách. Với giọng nói sang sảng, đậm chất “lão nông tri điền”, anh Hát cho biết, chiếc máy đặt hạt trên khay được lên ý tưởng cách đây một năm, nay việc chế tạo đã hoàn thành, đang chạy thử nghiệm. Qua thử nghiệm cho thấy, máy tiết kiệm năng lượng, tốc độ gieo hạt nhanh gấp 3 lần các máy cùng loại.

Anh hớp ngụm nước chè rồi kể về cơ duyên đến với ngành sáng chế máy nông nghiệp. Trước đây, anh làm nghề cơ khí, sản xuất các loại cửa sắt, mái tôn, hàng rào... Sau đó, chuyển sang trồng rau sạch trong nhà màng, nhà lưới. Việc sản xuất rau sạch thất bại, toàn bộ vốn liếng cùng với số tiền vay mượn 4 tỷ đồng “bốc hơi”.

Gặp 'phù thủy' chế tạo máy ảnh 1

Máy xúc lúa được anh Hát chế tạo

Gặp 'phù thủy' chế tạo máy ảnh 2

Anh Phạm Văn Hát đang hoàn thành công đoạn thử nghiệm máy đặt hạt trên khay

Chuyện làm ăn đi vào ngõ cụt, năm 2010, anh rời quê hương đi xuất khẩu lao động ở Israel. Ở nước bạn, anh làm việc trong thời tiết nắng nóng 40 đến 450 C giữa sa mạc, khiến nhiều hôm anh kiệt sức.

Israel là cường quốc nông nghiệp, cơ giới hóa, tự động hóa rất cao nhưng không hiểu sao công đoạn anh làm việc vẫn thủ công như vậy. Nghĩ thế rồi “máu” nghề cơ khí nổi lên, anh đề nghị với chủ cải tiến chiếc máy rải phân với lời hứa tiết kiệm được 10 nhân lực. Họ đồng ý và sau một tuần, anh cải tiến thành công.

“Khi thử nghiệm, tôi chưa ưng ý nên đề nghị họ tiếp tục cải tiến. Chủ trang trại lại đồng ý. Sau 4 lần cải tiến, chiếc máy rải phân hoạt động hoàn hảo, tiết kiệm được khoảng 20 nhân lực và một nửa thời gian so với trước”, anh Hát cho biết.

Sau thành công đó, ông chủ tăng lương cho anh từ 30 triệu lên 50 triệu đồng và cho anh làm việc trong nhà, không phải ra ngoài trời nữa. Sau vài công trình cải tiến thành công, anh thấy trong mình có “lửa” sáng chế. Dù chủ người Israel tiếp tục tăng lương, nhưng anh quyết định về nước để làm nhà sáng chế máy móc.

“Làm thuê thì không thể làm giàu, mà phải làm chủ. Lúc đó, món nợ 4 tỷ đồng vẫn nguyên, nhưng tôi quyết về lập nghiệp. Tôi về được một tháng, ông chủ cử con trai sang yêu cầu tôi trở lại thực hiện hết hợp đồng, nhưng lấy lý do đất nước bạn đang trong tình trạng chiến tranh, tôi không sang nữa”, anh Hát nhớ lại.

Bán sản phẩm ra thế giới

Về nước, anh mở xưởng cơ khí nhỏ bên cạnh nhà. Ban đầu, dân làng đàm tiếu, anh đi nước ngoài, học mót được mấy cái máy về làm bán kiếm tiền, chứ sáng chế gì. “Tôi bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, tập trung sáng chế. Sau 2 năm, tôi liên tục sản xuất được một số máy nông nghiệp; trong đó, thành công nhất là máy gieo hạt. Lúc đó, mới hết lời ra, tiếng vào”, anh Hát bộc bạch.

Máy gieo hạt là sản phẩm đầu tiên anh sản xuất thành công, cũng là sản phẩm để lại cho anh nhiều cảm xúc. Chiếc máy này mang phong cách, triết lý sáng chế của anh - không chip, không rơ le, mà chỉ có 1 mô tơ điện, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ điện chỉ 200W nhưng tốc độ gieo hạt nhanh gấp đôi so với các máy khác. Anh Hát khoe, chiếc máy này hiện vẫn bán rất chạy, mỗi năm gần 200 chiếc, có mặt ở 63 tỉnh, thành trong nước và 14 nước trên thế giới.

Gặp 'phù thủy' chế tạo máy ảnh 3

Anh Hát bên máy phun thuốc siêu tốc

Ngoài chiếc máy gieo hạt, chiếc máy phun thuốc trừ sâu của anh cũng “nổi tiếng”; ít nhất thì rất nhiều người đã thoáng thấy nó trên các cánh đồng ở Việt Nam. Chiếc máy như chiếc xe đạp, có ba bánh khổng lồ với sải cánh phun thuốc 25m. Cần 5 đến 7 phút, chiếc máy có thể phun được 1 mẫu ruộng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện, hiệu quả. Khi cần có thể điều chỉnh hạ thấp cho sát cây lúa để phun thuốc sâu được sát gốc. “Máy phun thuốc trừ sâu của tôi đã có mặt trên cả nước và nhiều nông dân ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Australia... trực tiếp sang đây đặt mua và mang về nước”.

Bị sao chép - không hề gì

Anh Hát chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo, đông con, nên anh phải nghỉ học đi làm phụ giúp bố mẹ. Nhiều người thắc mắc vì sao một người chỉ học hết lớp 7 mà lại sáng chế ra nhiều loại máy nông nghiệp, hữu ích cho người nông dân. Nhưng theo anh, mình có thực tiễn, chịu khó học hỏi, cùng với sự kiên trì sẽ đi đến thành công.

Đối với anh Hát, khi sáng chế, anh đều tính toán rất kỹ lưỡng về địa hình, tập quán canh tác của bà con. Anh lấy ví dụ: Sản xuất máy thu hoạch ngô cho bà con miền núi phải khác với đồng bằng; sáng chế máy xúc lúa cho bà con miền Trung phải khác với máy xúc lúa của bà con Tây Nam bộ… Có như thế mới phát huy hết tác dụng của máy.

Với 41 công trình sáng chế, anh Phạm Văn Hát được chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng nhiều bằng khen. Năm 2016, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều năm liền được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Năm 2018, anh được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương hội khuyến học Việt Nam tặng bảng vàng vinh danh “Nhân tài đất Việt năm 2018”.

Máy của anh khi đưa ra thị trường đã có người sao chép nhưng anh vẫn không đăng ký bản quyền. Anh cho biết, một phần vì thủ tục hành chính phức tạp, một mặt anh không quan tâm đến việc người ta sao chép máy của mình. Anh quan niệm: “Tôi không trách móc những người sao chép, sản phẩm tốt mới bị người ta sao chép. Người ta sao chép, thì mình lại có động lực cải tiến, sáng chế loại máy mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân”.

Cuối cuộc trò chuyện anh cho hay, vừa rồi có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác phát triển sản xuất hoặc về làm việc cho họ với mức đãi ngộ hàng chục nghìn USD/tháng nhưng anh không đồng ý. “Lương cao thì mình cũng chỉ là người làm thuê, còn ở nhà, mình được làm chủ. Làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều. Làm gì có ích cho xã hội, có lợi ích cho bà con nông dân thì mình làm”, anh Hát chia sẻ.

MỚI - NÓNG