Gặp người đưa đàn Goong Tây Nguyên ra thế giới

TP - Mê tiếng đàn Goong lúc rạo rực như tiếng chim Chơ rao, khi da diết như thú hoang gọi bầy, có khi êm ả như đại ngàn những buổi chiều hoang, tôi được giới thiệu tìm gặp nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang – người từng đưa cây đàn Goong đến nhiều nước trên thế giới.
Gặp người đưa đàn Goong Tây Nguyên ra thế giới ảnh 1

Nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang.

Tôi gặp ông tại căn phòng giản dị trên gác 2 chung cư Lê Lợi, thành phố Pleiku. Tuổi 77, mắt ông đã mờ, chân đã mỏi nhưng khi nhắc đến đàn Goong, ông như sống lại miền ký ức đầy vinh quang với ngọn lửa nghệ thuật còn cháy bỏng. Thảo Giang tên thật là Đinh Nhếch, người dân tộc Ba Na, sinh ra ở làng Pờ Dầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai), 12 tuổi theo cách mạng, tham gia đội văn nghệ phục vụ kháng chiến. Năm 1954, Đinh Nhếch được tập kết ra Bắc để học văn hóa, sau đó trở về Đoàn ca múa Tây Nguyên, tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông đã cùng đồng nghiệp đi khắp chiến trường Nam - Bắc khích lệ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân.

Những nơi ông đặt chân đến đều có ấn tượng riêng, khó phai. Một trong số đó là lần diễn tại Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1968, dù trước đó ông từng được gặp Bác. Thảo Giang kể: Hôm đó đoàn đang cao hứng biểu diễn thì sơ ý vướng vào lọ hoa để trên bàn. Lọ hoa rơi xuống nền nhà vỡ tan. Mọi người sững lại lo sợ nhưng Bác đã xua tay: Các cháu cứ tiếp tục. Lọ hoa vỡ thì ta tìm lọ khác.  Đoàn diễn xong, Bác Hồ mời anh chị em ăn kẹo, hỏi thăm sức khoẻ, gia đình, điều kiện ăn ở của từng người khiến ai cũng cảm động. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông cùng đoàn sang Liên Xô và một số nước Đông Âu biểu diễn để công bố thắng lợi và cảm ơn sự giúp đỡ của bè bạn, sau đó trở về Gia Lai, nơi chôn nhau cắt rốn.

Bao năm sống trong nghệ thuật, Thảo Giang thú thật vẫn chưa nắm hết cái hồn của dân tộc mình. Mãi khi trở về làng cũ, trong cái đêm chất chứa ký ức tuổi thơ, ông chợt nghe vọng lại tiếng đàn Goong. Tiếng đàn nghe như tiếng chim kêu, nước chảy… diễn tả đầy đủ âm thanh cuộc sống con người Tây Nguyên, các chàng trai thường dùng để tỏ tình và được ví như “cây đàn tình yêu”. Chỉ vì bị hạn chế về âm lượng, âm điệu nên cây đàn không được dùng trong các lễ hội. Từ đây, ông nhen nhóm ý định cải tiến cây đàn. 

Ba năm mày mò nghiên cứu, Thảo Giang đã cải tiến thành công cây đàn từ 8 dây lên thành 14 dây, đồng thời gắn micro vào bầu cộng hưởng. Cây đàn Goong cải tiến không những thể hiện được các bản nhạc phức tạp mà còn đáp ứng yêu cầu biểu diễn trước đông đảo công chúng. Tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 1980, tiết mục độc tấu với một cây đàn Goong lạ lẫm của ông đã chinh phục ban giám khảo và công chúng, mang về huy chương Vàng cá nhân đầu tiên trong đời. Sau đó, Thảo Giang mang cây đàn Goong đi biểu diễn tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Ở đâu ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Có chuyện vui là ở Đài Loan, không tin vào âm thanh kỳ diệu của cây đàn, có khán giả đã gặp ông để kiểm tra xem… có giấu Cassette trong người không!

Năm 1995 Thảo Giang chính thức được mang cây đàn Goong vào giảng dạy cho sinh viên trường Văn hoá Nghệ thuật Gia Lai, trở thành người duy nhất đến nay soạn nhạc cho cây đàn này. Nhiều học trò say mê tiếng đàn Goong nên xin theo ông học, trong số đó có 4 người thành danh, vượt trội là: Đức Dậu (Đoàn Nghệ thuật Phù Đổng); Ngọc Anh (Nhà Văn hoá Thành phố Nha Trang); La Y Xang (Con trai nhạc sĩ Kpă Y Lăng); Khắc Phú (Đoàn nghệ thuật Đam San). Thảo Giang nói: Ngoài năng khiếu, “cây đàn tình yêu” đòi hỏi người chơi phải “cảm” được hết hơi thở cuộc sống, tình yêu con người và thiên nhiên.

Ngoài việc cải tiến đàn Goong, Thảo Giang còn sáng tác hàng chục tác phẩm để đời, trong đó có 4 tác phẩm do ông tự biểu diễn đã đoạt huy chương Vàng trong các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, là “Chuyện kể già làng”; “Trở lại buôn làng”; “Trên đường lên rẫy”; “Trở lại thời thơ ấu”. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Mê tiếng đàn Goong lúc rạo rực như tiếng chim Chơ rao, khi da diết như thú hoang gọi bầy, có khi êm ả như đại ngàn những buổi chiều hoang, tôi được giới thiệu tìm gặp nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang – người từng đưa cây đàn Goong đến nhiều nước trên thế giới.

MỚI - NÓNG
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
TPO - Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ giải quyết theo hướng dừng hợp tác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm đối với Công ty TNHH du học định cư DSS từ ngày 15/10/2024. Trong khi đó, đại diện Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, "DSS cũng không còn hoạt động tại trường nữa...".