Hiếm có nghệ sĩ vĩ cầm nào thạo cả võ như Xuân Huy. Chính vì thế khi Liên Xô tan rã năm 1991, học bổng du học sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky bị cắt, Xuân Huy ngoài đánh đàn còn đi dạy võ kiếm sống. Khả năng tập trung cực cao nhờ quá trình tập đàn từ nhỏ cộng với “công phu” võ thuật là tiền đề cho sự nghiệp chế tác violon, khi Huy về nước năm 1998 trong hoàn cảnh nhạc cổ điển không có đất sống.
Bỏ nghệ sĩ thành nghệ nhân
Chế tác được 15 cây violon bằng gỗ trong 10 năm (1999-2009), Xuân Huy trở thành hiện tượng hiếm hoi vừa có thể chơi đàn lại vừa có thể làm đàn ở đẳng cấp cao. Nhưng anh chưa chịu dừng lại. Anh ví sự thoát xác của mình giống như từ một kiện tướng bơi sang võ sĩ quyền anh hạng nặng. Tức là làm đàn violon bằng gỗ và bằng sứ là hai việc khác nhau hoàn toàn.
Thế giới có những cây đàn sứ nhưng chỉ để bày, còn Xuân Huy mong muốn được nghe âm thanh của sứ dưới hình dạng vĩ cầm. Cuối 2015 anh bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng. Ban đầu anh tính chỉ tham gia quá trình gia công nguội, còn lại để nghệ nhân. Nhưng anh nhanh chóng nhận ra đó là điều bất khả hơn nhiều so với việc anh tự biến mình thành chuyên gia gốm sứ.
“Tôi cày tung cả Bát Tràng, Hải Dương, cả miền Bắc… các nghệ nhân cao thủ đều lắc đầu. Khi đó tôi cũng mông lung, không biết quay đầu vào bờ - nghĩa là thất bại hay đi tiếp”, Huy nhớ lại. “Nhưng tôi có niềm tin chắc chắn sẽ làm được vì đã được 70% rồi. Càng ở giai đoạn về sau, chế tác càng khó, cần thời gian để mài giũa sự nhạy cảm và trí tưởng tượng”.
Hóa ra tất cả các bình bát khi đưa vào lò đều trải qua “hỏa biến” tức là lùn đi, béo ra một tí. Nhưng cây đàn không phải là một khối đối xứng như vậy. Chỉ một chút biến dạng không như ý cũng đủ để nó không thể phát ra tiếng. Thành ra Huy phải mày mò làm ra một tỷ lệ có tính dự phòng để qua lửa đàn co lại đúng chuẩn violon. Từ đó anh tính toán ra một bộ khuôn để đổ đất vào. Mất hai năm để tìm ra tỷ lệ pha trộn thích hợp. Nếu đất không chuẩn, đàn sẽ rúm ró sau nung.
Mỗi lần nung, anh tính toán sắp xếp sao cho phôi đàn được hưởng nhiệt đồng đều nhất, nhưng khi ra lò chúng vẫn rất khác nhau về tiếng. Chỉ cây nào đạt 95-97% so với chuẩn của Huy mới được anh giữ lại, đảm bảo tính độc bản. Tự tay anh trang trí cho từng cây.
Như chiếc đàn ra lò đầu tiên vào năm 2017 hiện anh đang giữ được chạm khắc ở mặt bên. Phía đó thành đàn dày khoảng 1,2mm. Đường khắc sâu 1mm trên chất liệu anh ví “mềm như viên phấn mỏng”, lỡ tay một chút là thủng. “Cầm được trên tay 3-4 tuần để chạm khắc, ta cũng phải luyện võ, kiểm soát được cương nhu. Người khác hầu như cầm vỡ ngay”. Nghe anh kể đã hình dung ra áp lực đó có thể làm cho người bình thường phát khùng. Anh tiếp: “Nhưng với người "tu" quen rồi, lúc đấy nó lại đạt đến đỉnh của sự thiền định”. Chiếc đàn sứ đầu tiên được dát vàng theo lối truyền thống của làng Kiêu Kỵ. Cần đàn là chỗ nghệ sĩ thường xuyên ma sát lộ ra bề mặt sứ xanh ngà. Nghiêng cây đàn, soi đèn vào bên trong thùng đàn, sẽ thấy chữ ký của Huy.
Trong hai năm 2017 và 2018, Huy chế tác thành công 4 cây đàn sứ. Cho đến nay vẫn không thêm được cây nào. Hiện anh đảm nhiệm tất cả các khâu từ A tới Z để ra cây đàn.
Diện kiến Nhật hoàng
Giữa năm ngoái, vĩ cầm sứ từng theo chủ nhân tới Tokyo để trình tấu cho Nhật hoàng Akihito cùng nguyên thủ và các quan chức cao cấp của hai nước nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Ba phút rưỡi quý giá thể hiện một phần của bản hoà tấu Thais- Meditation của Jules Masenet cùng dàn nhạc thính phòng Nhật Bản tại nhà khách Minh Trị đủ để chứng minh sự tài khéo có một không hai của nghệ sĩ kiêm nghệ nhân Việt Nam. Các nghệ sĩ Nhật thì vô cùng ngạc nhiên vì đến tận buổi tập trước lúc diễn họ mới biết trên đời còn có đàn sứ không phải để bày. Sau khi được thưởng thức tiếng đàn của Huy, Nhật hoàng rời khán phòng sau khi nán lại đôi phút để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đàn.
Tại Hà Nội, Xuân Huy từng chơi đàn sứ trong liveshow kỷ niệm 25 năm sự nghiệp của cô em gái Khánh Thi hồi 2017, nhưng không loan báo rộng rãi nên mọi người mặc định đang được nghe đàn gỗ mà thôi. Xuân Huy xác định không thu đĩa tiếng đàn của mình, kể cả đàn sứ đi nữa. Anh giải thích: “Trước mắt tôi không đủ thời gian. Giờ tôi đang là nghệ nhân, khi làm điều đó mình phải quay trở lại làm nghệ sĩ, phải mất thời gian để cho tay mềm ra”.
Huy khẳng định không hề day dứt, trái lại rất thích khi chuyển ngạch từ “sĩ” thành “nhân”. Lý luận của anh là các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng đến mấy thì sau khi qua đời dần dần cũng chìm vào quên lãng theo quy luật “sóng sau xô sóng trước”. Anh muốn làm một cái gì đó để không ai có thể quên được. Huy tiết lộ sau violon sứ, anh sẽ đăng ký thêm hai sáng chế khác về khoa học.
Từng có một đại gia đề nghị hùn vốn với Huy để sản xuất violon sứ, nếu cần mở cả xưởng sản xuất. Nhưng tất nhiên anh từ chối. Trong tư duy của họ, violon sứ là sản phẩm có thể nhân bản và sản xuất hàng loạt. Còn với Huy, mỗi cây đàn thực sự là một tác phẩm độc bản. Tuy nhiên anh vẫn mong chờ một sự kết hợp vừa vặn, thay vì tự bỏ tiền túi ra đốt lò như hiện nay.
Anh cũng không có ý định giấu nghề, chỉ sợ không gặp được truyền nhân. Vì ngay đàn gỗ, Huy từng đào tạo 3 “đệ tử” đều là nghệ nhân mộc có hạng lại là người nhà, nhưng đều không thành. “Tôi có thể ngồi một chỗ 12 tiếng/ngày để đục, đẽo, gọt, trong khi họ có thể chỉ ngồi được 7 tiếng là đau lưng. Đấy là thiền định. Cực kỳ khó”, anh kết luận.
Ðàn violon bằng sứ được tác giả Nguyễn Xuân Huy đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam tháng 1/2018. Ðàn nặng khoảng 800gr tính cả phụ kiện bằng gỗ, tức chỉ gấp đôi đàn gỗ. Ðây là trọng lượng gần như không tưởng đối với sứ để đạt tới kích thước chuẩn của violon 4/4. Chất lượng âm thanh của violon sứ dường như tốt hơn một số loại vật liệu thay thế khác như sợi carbon hay thủy tinh. Do chất liệu sứ khi đạt độ mỏng thích hợp sẽ cho tiếng ngân thanh, vang nhưng vẫn có độ trầm lý tưởng để làm nhạc cụ.
Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về những dị năng của Huy, anh tự lý giải có lẽ xuất phát từ khả năng tập trung cao mà anh có được, đầu tiên do tập đàn rất nhiều. Anh cho rằng rèn luyện có thể chiếm tới 99% thành quả. Ngoài ra anh còn đạt tới trạng thái tương tự thiền định (dù không hành thiền đúng nghĩa) sau nhiều năm thực hành võ thuật. Bằng chứng cho khả năng tập trung là hai lần thành công nhịn ăn thải độc chỉ uống nước lọc cách nhau 4 năm. Lần đầu anh nhịn 14 ngày và lần thứ hai 21 ngày. Trong thời gian đó, trừ 3 ngày đầu tiên đấu tranh để “cắt cơn”, còn lại anh cho hay vẫn làm việc sinh hoạt, đi chợ nấu ăn bình thường. “Tôi cũng là con người tầm thường, luôn có các bản năng như ai. Nhưng khi cần không tầm thường, tôi sẽ kích hoạt được: sức chịu đựng khủng khiếp luôn,” Huy tuyên bố.