Sáng lập Ðông Kinh cổ nhạc
Thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ tấp nập người ra kẻ vào “để nghe nhạc truyền thống” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Khách Tây đông, khách ta chủ yếu là người trẻ, có gia đình khoe dắt con đi nghe lần thứ ba vì thích.
Khán phòng biểu diễn mô tả sân đình ngày xưa, người xem vây quanh diễn viên, không có loa đài, kích âm, từ giọng hát đến tiếng mõ đều là nguyên bản. Người dẫn truyện là một thanh niên nhỏ người, nói tiếng Việt hơi nhanh, nhưng chu đáo. Anh giải thích đơn giản về những tích chèo, tuồng... đủ cho người ngoại đạo cũng có thể hình dung sắp tới mình sẽ nghe/xem gì. Ánh sáng ở góc anh đứng hơi tối, so với những NSND tung hoành ở chiếu giữa, rất nhiều khán giả không nhìn rõ mặt anh, không biết anh là ai.
Có một chi tiết khá thú vị, vào đầu buổi diễn người dẫn truyện nói rằng, ở đây chúng tôi không bán vé, nhưng chúng tôi có thẻ tre mệnh giá 50 ngàn, 100 ngàn tùy tâm. Khán giả có thể mua thẻ và thưởng cho các màn diễn mà mình thích nhất. Cái thẻ tre được mài nhẵn, sơn son, hết một tiết mục, nếu thích, khán giả có thể ném vào chậu đồng để tỏ ý cổ vũ. Đây là cách làm cổ xưa, từ ngày ca trù, hát văn... còn thịnh. Buổi biểu diễn sinh động lên không ít bởi những tiếng lanh canh của thẻ tre rơi vào chậu.
Sau này, khách đến Hà Nội, nếu đúng dịp tôi thường dẫn họ đi xem Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn. Mười người có đến chín đòi quay lại, có người bảo, sao một chương trình hay thế, Việt Nam thế mà ít người biết. Người lại chỉ thao thao nói về việc ném thẻ. “Tôi bảo cô này, cái cách làm này ấy mà, nó hay lắm. Phải để mọi người có tự giác trong quan niệm về giá trị văn hóa. Không ngẫu nhiên mà các cụ xưa thưởng thẻ đâu, nó là một cách khen ngợi tế nhị, không bị thô tục hóa như kiểu nhét tiền vào bông hoa”. Ông nhà văn khó tính ấy, lần nào từ Sài Gòn ra, cũng bằng được rủ tôi đi nghe nhạc phố cổ, để hưởng thêm lần nữa thú ném thẻ tre.
Đàm Quang Minh, thanh niên dẫn truyện chính là đầu trò tạo ra nhóm Đông Kinh cổ nhạc, quy tụ các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ và cả những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam với mục đích gìn giữ âm nhạc cổ truyền và chia sẻ những giá trị đẹp của di sản với cộng đồng. Nhóm thành lập từ năm 2014, khi lần đầu tiên Minh dẫn 6 nghệ sĩ nhạc truyền thống sang Pháp biểu diễn. Chương trình có tên “Tiếng trúc tiếng tơ”, sau này Trung tâm văn hóa Pháp tại Việt Nam một lần nữa mời nhóm biểu diễn lại. Cũng trong dịp này, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân trực tiếp gặp Minh bày tỏ sự hứng thú. Nhóm Đông Kinh cổ nhạc từ đó có thêm Vũ Nhật Tân tham gia.
Ðàm Quang Minh
Không nên keo kiệt với nghệ thuật
Gia đình Minh hiện đều sinh sống tại Pháp, chỉ mình anh quay về Việt Nam “lêu lổng”. Nhà thơ Nguyễn Duy từng có nhiều dịp làm việc với Minh kể với tôi: “nó mê những thứ này (nhạc truyền thống) kinh khủng. Có bao nhiêu vốn liếng bỏ hết để đầu tư. Không giầu nhưng được cái chơi đẹp”.
Để bố trí nhạc cụ biểu diễn ở Trung tâm văn hóa phố cổ, Minh phải cầu kỳ nhờ hai kỹ sư âm thanh người Pháp sắp đặt. “Họ có kinh nghiệm bố trí dàn nhạc, biết chính xác chỗ nào nên đặt trống, chỗ nào đặt đàn, chỗ nào để gõ mõ... Mỗi một âm thanh, nhạc cụ đều có không gian, thời gian nhất định của nó. Đặt nó đúng chỗ chính là tôn trọng hơi thở cuộc sống trong cây đàn, nốt nhạc”.
Tất cả mọi chi tiết của buổi diễn, từ âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ... đều được trau chuốt tỉ mỉ. Các ngôi sao như NSND Thanh Hoài (chèo), NSND Minh Gái (tuồng), NSND Xuân Hoạch (xẩm)... cứ việc đúng giờ xuất hiện khỏe thì hát nhiều, mệt hát ít. Tất tật việc hậu cần còn lại, đều là Minh lo. Anh cùng Vũ Nhật Tân khiêng trống, bê chiêng từ tầng 1 lên tầng 3. Anh trực tiếp đi mua xôi giò hoa quả để cúng tổ trước khi diễn và chuẩn bị rượu để liên hoan nhẹ sau khi diễn. Các nghệ sĩ nhắc đến anh đều với thái độ như nói về một kiểu bạn vong niên. Đối với họ, Minh vừa là “ông bầu”, nhà tài trợ, nhà sản xuất kiêm hậu cần, kiêm bạn, kiêm con cháu...
Suốt từ khi thành lập nhóm, năm thì mười họa được một khoản tài trợ nhỏ của nước ngoài, còn đâu tiền duy trì đều là từ túi Minh. “Tôi may mắn không phải bận tâm nhiều về việc kiếm sống, chỉ phải lo sống sao cho vui thôi”, cậu ấm phố cổ vui miệng kể. Từ bé tí anh đã được theo bố đi nghe cô đầu vì “con một, ở nhà chả ai trông nên ông già phải công theo”. Cũng từ nhỏ “biết hết NSND bây giờ, nghe nhiều rồi ngấm, ngấm rồi yêu, không muốn những thứ di sản quý báu này mất đi”.
Ðưa năng lượng mới vào nhạc cổ
Năm 1995, Minh khi đó còn ở Pháp, đi xem “Hạn hán và cơn mưa” của Ea Sola Thủy và được nghệ sĩ này gợi mở cho ý tưởng: đưa năng lượng mới vào văn hóa của quá khứ, để chuyển tải thành năng lượng mới hơn, sang trọng hơn, được tôn kính hơn.
Những thử nghiệm ban đầu có việc hát thơ Nguyễn Duy bằng xẩm. Minh phát hiện ra, nếu chạy theo kỹ thuật máy móc thì không lại, chỉ có dùng ngôn ngữ biểu cảm của con người là âm nhạc diễn tả nó một cách chân thành, may mắn ra thì được một cái gì hay, còn không thì vẫn là những thứ lai căng.
Mày mò dần, mới đây nhất, Vũ Nhật Tân cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc có đêm diễn “Tiếp và nối” kết hợp nhạc đương đại và cổ nhạc được đánh giá thành công ngoài mong đợi. Anh Minh kể: “Nhạc mới của Tân là sáng tác theo tổng phổ, bọn tôi dựa theo hơi hát, tiếng đàn để hòa tấu với nhau. Buổi biểu diễn có hai lối diễn tấu, một lối theo tổng phổ, một lối ứng tác theo dân gian. Đồng hành với nhau cũng thú vị, không cần gò bó, để nó kể chuyện của nó, có sao đâu. Truyền hình có hàng trăm kênh, sao âm nhạc lại chỉ có một lối nghĩ?”.
Trong Đông Kinh cổ nhạc, Đàm Quang Minh nhận mình là “chất dẫn điện” để kết nối hai tri thức âm nhạc khác nhau, giữa Vũ Nhật Tân đương đại và nhóm nghệ sĩ nhạc truyền thống. “Tân chả cần gì nữa, nổi tiếng rồi, các cụ kia cũng đều NSND rồi, có hay thêm nửa câu cũng chẳng được một lần nhân dân nữa. Nhưng đây có phải hội diễn sân khấu đâu mà đua tài với nhau, tôi như cái đòn gánh ấy, cứ phải cân đối đôi bên vì cá tính nghệ sĩ ai cũng mạnh cả”.“Tôi may mắn không phải bận tâm nhiều về việc kiếm sống, chỉ phải lo sống sao cho vui thôi”.
Ðàm Quang Minh
Hiện anh Minh sống chủ yếu ở Việt Nam. Việc chính là phụ trách nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Việc phụ là... ngồi chơi, đối thoại, quan sát cuộc sống, xem mọi người nghĩ gì làm gì. Rảnh nữa thì trồng phong lan, thấy nó ra rễ nhiều là thích, hoa không quan trọng. Rất nhiều người hỏi anh, sao lại bỏ cuộc sống ổn định bên Pháp mà về nước hỗn độn trước sau. Anh giải thích: vì mê sự sinh động của cuộc sống, kể cả văn hóa lẫn đời thường. Người ta luôn phải ứng biến, đi xe máy luôn phải quan sát xem có ai đâm vào mình không. Rồi anh kết luận: Việt Nam sống dễ hơn, rẻ hơn, vui hơn!