Gánh nước xuyên qua thế kỷ

Hình ảnh hàng ngày của cụ Đường bên giếng Bá Lễ.
Hình ảnh hàng ngày của cụ Đường bên giếng Bá Lễ.
TP - Dưới gầm cái giường nhỏ xíu của căn nhà nhỏ xíu trong cái hẻm nhỏ xíu nơi phố cổ Hội An, cất kỹ 2 đôi thùng gánh nước, vị chi 4 chiếc thùng gò bằng nhôm đã mòn vẹt láng bóng. Thêm một đôi đang ăm ắp nước giếng Bá Lễ vừa gánh về đặt ngoài cửa, thành 6 chiếc. Cụ Đường bảo mấy đôi thùng đó chế từ nhôm máy bay, đặt mua từ thời trước giải phóng giá 500 đồng bạc.

Gia bảo của người gánh nước xuyên thế kỷ vừa được nhận Kỷ lục Việt Nam là “người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”.

Chiếc giường đơn duy nhất chắc là dành cho cụ bà 86 tuổi, còn hai cha con ông lão, một tuổi 84, một tuổi 55 đêm xuống thì trải miếng vạt thêm manh chiếu ra nền nhà. Nơi trú ngụ của 3 con người một gia đình đã can dự không ít vào hồn cốt một phố cổ như Hội An. Như là số mệnh khiến một người gốc Bình Định hay là Quảng Ngãi gì không rõ mà như ông cụ cứ khăng khăng giới thiệu với khách chính quán của mình ở Tam Quan, lại thả neo cuộc đời chốn này.

…Ra giếng Bá Lễ tìm cụ Đường, mọi người bảo cụ vừa đi chợ rồi, có con trai cụ đang lấy nước đấy. Một người đàn ông lực lưỡng đang thả gầu xuống cái giếng vuông vục từng nhát một chắc khỏe. Rồi ghé vai gánh, tay cầm theo cái gầu nhựa. Tôi theo chân về nhà. Đoạn cuối của cái hẻm quanh co từ cái kiệt đường Trần Hưng Đạo là căn nhà chừng 20 mét vuông thấp nhỏ, lợp tôn. Gian vệ sinh và bếp cũng nhỏ xíu nằm biệt lập hẳn phía trước. Bà cụ Nguyễn Thị Mỹ đang ngồi giặt đồ trong cái thau nhỏ, thấy con trai về ngẩng đầu lên móm mém cười. Lát sau đã thấy cụ ông Nguyễn Đường dưới bận quần đùi trên áo dài tay lững thững về theo. Trong cái đùm nilon xách trên tay là mớ cá tươi, rau sống... Dáng vóc cao lớn, đôi tay đôi vai vạm vỡ, gương mặt vuông vức da đồng hun, hẳn thời trai đây là một nam nhi không kém cạnh. Cụ bảo từ bé tới nay chẳng mấy khi đau ốm, chỉ cảm sốt sơ sơ. Lần nào nặng lắm cũng chỉ chích một hai mũi là khỏe. Thời thanh niên vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai bị bắt đi lính bảo an một thời gian. Gặp một thiếu nữ hơn mình 2 tuổi quê Đại Lộc (Quảng Nam) vào giúp việc cho người bà con. Quen, mến rồi đến với nhau, sinh ra thằng Nguyễn Văn Quốc này. Không làm khai sinh, đến giờ cũng không có căn cước nên không nhớ sinh ngày tháng nào, chỉ nhớ nó tuổi Tý, tra lại thì là Canh Tý năm 1960. Khi Quốc lên 2 tuổi, cả nhà bồng bế nhau về lại miền Trung.

Gánh nước xuyên qua thế kỷ ảnh 1

Trò chuyện với tôi, lâu lâu cụ Đường ngoảnh mặt ra ngoài hiên la toáng lên hỏi vợ về chuyện này chuyện nọ. Rõ là giờ đây dù đã 86 tuổi nhưng bà cụ Mỹ vẫn là “kho trí khôn” của cả nhà. Cụ Đường đã hơi lãng. Còn cậu con trai duy nhất bị chậm trí tuệ từ bé, giờ 55 tuổi vẫn ngộc nghệch chỉ để sai vặt. 

Về quê, chàng trai Nguyễn Đường theo lại nghề biển của cha anh rong ruổi theo thuyền ra Cửa Đại Hội An chài lưới. Rồi cùng vợ con trụ lại nơi cửa biển này. Không vốn liếng, không chữ nghĩa, không nhà cửa lẫn bà con thân thích, cái vốn duy nhất mà Nguyễn Đường là sức khỏe ít ai bì kịp. Rồi sau đó gánh nặng mưu sinh từng ngày dồn đuổi là những bao gạo nặng trĩu trên vai của người phu trong nghiệp đoàn khuân vác. Đến một ngày đặt lên vai cái đòn gánh, chuyển sang gánh nước thuê cho người trong phố cổ từ khi nào không rõ…

*             *

Hơn 40 năm trời gánh nước giếng thuê. Gánh xuyên mùa. Xuyên tháng năm. Mưa, đường trơn trượt, hai cha con ra dìu đỡ nhau. Không ít lần ngã lăn chiêng cả người lẫn thùng. Tôi cứ hình dung những mùa đông phố Hội. Không cắt thịt da như xứ Bắc, nhưng gió lùa qua những con phố, đôi bờ vai chín rạn dãi dầu gồng gánh, quẩy từng đôi nước đưa đến cho người dưng. Từng bước run run. Rồi trong căn nhà hơn chục thước vuông trống trải, ba con người ấy nói chuyện gì cho hết đêm thâu…

Gánh nước xuyên qua thế kỷ ảnh 2 Giếng Bá Lễ (Hội An. Ảnh: Trần Tuấn.
Hiếm có cái giếng công cộng nào lại có ban thờ phía trên như giếng Bá Lễ ở Hội An. Các ngày rằm, mùng một và dịp lễ trọng nhà nhà đều có hương hoa, trái cây dâng lên thần giếng xin mãi cho dòng nước ngọt lành. Giếng Bá Lễ tương truyền đã nghìn năm tuổi, do người Chăm đào, sau được tu sửa một lần từ hơn trăm năm trước. Không rõ mảnh giếng này thời khởi thủy thuộc về cuộc đất ra sao, nhưng nay nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ, áp vào tường nhà dân, vây bủa xung quanh là nhà cửa lô nhô. Giếng vuông, kết bằng gạch trần không vôi vữa, theo kiểu kết cấu các tường tháp Chăm, phần dưới cùng được ốp bằng khung gỗ lim chống lún, sạt lở.

Để rồi, giếng Bá Lễ đã chảy chạm tới phần thẳm sâu của thời gian, cưu mang hồn phố hồn người bằng những gầu nước, gánh nước ròng rã qua tháng năm. Nguồn nước tinh khôi, không uế tạp dù bao đời tồn tại giữa chằng chịt những rãnh những cống, những nhà của cư dân… Không chỉ những nhà hàng, mà nhiều quán gánh ở Hội An từ bao lâu rồi đã rất “kỳ khu” với món nước giếng Bá Lễ này. Khi ngày ngày đặt hàng từ ông cụ Đường và một vài người khác “món” nước giếng Bá Lễ gánh giao tận nơi. Là những món chè, xí mà phù, cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao bánh vạc, cho đến những ly trà, cà phê bốc khói buổi sương mai… Bảo đem đọ xem món có nước giếng Bá Lễ có gì thật khác biệt so với món dùng nước thường, e rằng khó. Nhưng lấy gì mà so mà đếm được, khi đã biết nêm nếm vào thú  thưởng lãm một thứ gia vị tinh thần đặc biệt, chỉ có thể tận hưởng hương hoa ấy nở ngát từ bên trong, nào thể nói bằng lời.

Thời điểm này, cứ mỗi đôi nước gánh giao tận nơi, cụ Đường được người ta trả cho 10 ngàn đồng. Ngày nhiều được chừng mươi gánh. Ở cái tuổi 84 rồi mà gánh mà quẩy được ngần ấy nước rong ruổi khắp phố mấy ai làm nổi. Thằng con dại của cụ sức vóc có nhưng chỉ gánh được nước từ giếng về nhà, còn giao cho hàng quán thì chịu. Bà cụ Mỹ mấy năm nay lưng đã còng gập xuống rồi, không còn nhúc nhắc đỡ đần được gì. Các đồng nghiệp cùng “công tác” ở giếng Bá Lễ, phần lớn dùng xe ba gác, xe máy chở một lúc hàng chục thùng nhựa đi giao nước, còn cụ Đường chỉ có cái đòn gánh, cứ thủng thẳng từng gánh một vừa gánh vừa đếm nhịp phố. Nên cụ vẫn thường được mọi người thương tình nhường “mối”. Và nhiều hàng quán cũng ưu tiên chỉ lấy nước gánh của cụ. Điều đặc biệt, suốt một đời gánh nước, vợ chồng cụ Đường không bao giờ can nhựa hay thùng đựng sơn để lấy nước như nhiều người, mà chỉ một loại thùng nhôm mà cụ bảo gò từ xác máy bay từ vài chục năm trước. Mỗi lần dùng xong lại lau chùi rồi đem cất kỹ dưới gầm giường - nơi kín đáo nhất trong nhà.  

Gánh nước xuyên qua thế kỷ ảnh 3 Cụ Đường đón nhận Kỷ lục Việt Nam.
Như một định mệnh gắn kết đời giếng - đời người. Chỉ với nước giếng Bá Lễ, vợ chồng cụ Đường gánh một đời không ngưng nghỉ. Để rồi chốn dừng chân nương thân cuối đời của 3 con người ấy, thật kỳ lạ, cách giếng chỉ vài trăm mét. Căn nhà gom góp mua được từ những đồng bạc lẻ nhờ giếng Bá Lễ cùng mồ hôi công sức bao chục năm trời đem lại. 

… Cụ Mỹ ngồi nhặt rau ngoài hiên chuẩn bị bữa trưa, thỉnh thoảng ngó vào nhà góp chuyện. Thấy tôi ngó nghiêng vào bếp, tìm xem có cái vòi nước nào, thì cụ cười bảo nhà này xưa rày đâu dùng nước máy thủy cục, như toàn bộ các nhà bên. Ăn bằng nước Bá Lễ. Uống thì uống sống nước Bá Lễ, không cần đun sôi. Còn nước sinh hoạt giặt giũ thì biểu thằng Quốc ra giếng chợ gánh về. Nói đến nước thủy cục, mới nhớ thời xưa ở đô thị lớn như Sài Gòn từng có nghề gánh nước mướn, nhưng chỉ là gánh nước máy. Do thủy cục chưa với đến nhiều khu dân cư, nhiều nhà cũng không có tiền mắc đồng hồ. Chứ không phải gánh nước giếng, mà lại là giếng giữa phố phường như Hội An mà cụ Đường vẫn làm đây. Một số nước lân cận cũng từng có nghề này. Thấy năm 1999, ở Ma Cao (Trung Quốc) người ta cho ra bộ tem thư 4 mẫu, về nghề gánh nước mướn độc đáo xứ này, để hoài niệm về một nghề độc đáo nay đã thất truyền. 

Cụ Đường lôi ra một bọc nilon đựng mấy tấm ảnh, khoe của mấy ông Tây chụp xong gửi tặng. Sống trong “ngôi làng toàn cầu” độc đáo là đô thị cổ Hội An, làm cái nghề kỳ lạ, vợ chồng cụ Đường đã trở nên nổi tiếng ra tận nước ngoài, với nhiều đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia tìm đến quay phim, chụp ảnh. Bức tường nhỏ trong nhà cũng treo toàn ảnh phóng lớn những hình ảnh tài tình hiếm người bình thường có được. Và trang trọng tấm bằng xác lập kỷ lục “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận ngày 7/12/2014. Lễ trao tặng được tổ chức tại Hội An nhân kỷ niệm 15 năm đô thị cổ trở thành Di sản văn hóa thế giới, trở thành sự kiện gây xôn xao.

Làm cho phố chợt “già” thêm cả trăm năm, thời gian trôi chậm rãi hơn, chống lại mọi thứ ầm ào gấp ruổi đang chực chờ xâm lấn sát bên cạnh, đó là hình ảnh ông lão gánh nước giếng cần mẫn xuyên thời gian. Như ông lão bán xí mà phù (chè mè đen) lặng lẽ suốt bao năm, chiếc đòn gánh bằng tre quen thuộc dựng bên nồi chè như dấu huyền nghiêng xuống dòng đời chầm chậm. Là chị em bà bán chè đậu ván, cứ đêm xuống “người chị gánh gánh chè nhẹ tênh từ trên đầu phố thong thả đi xuống, người em gánh cũng nhẹ tênh từ cuối phố thong thả đi lên, tới lúc gặp nhau thì chè vừa hết, và cánh cửa cuối cùng của những ngôi nhà cổ phố Hội cũng vừa khép lại”. Nghe như câu văn nào đó của Thạch Lam. Mà thực ra đó là lời diễn từ của ông Bí thư Nguyễn Sự hôm lên nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) từ tay nguyên Phó chủ tịch nước - bà Nguyễn Thị Bình tại Hà Nội năm 2012. Ông Sự đã phát hiện ra triết lý sống của người Hội An từ “triết lý chè đậu ván”. Cái triết lý và là bản lĩnh giúp Hội An “trải bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn hào hôm nay của kinh tế thị trường đang hoang dã, vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng”.

Cũng vậy, cái giếng, như Bá Lễ và triết lý về nó. Chật chội chen chúc giữa phố giữa nhà, mà bao đời vẫn dòng nước thần thánh tinh khiết không ố tạp, pha trộn. Như Kinh Dịch: “Vô đắc vô táng. Vãng lai tỉnh tỉnh” (Hàm nghĩa: Múc cũng chẳng hết, để cũng chẳng đầy; Ai đến cũng được cho nước…). 

Hội An, 1/2015

Gánh nước giếng Bá Lễ như chợt kéo cho phố thấp xuống ngang mái đầu con người. Khung cảnh cũ kỹ, chậm rãi, thấp nhỏ hiền hòa của những trăm năm trước. Nghe từng ngọn rêu xuân bung nở đầu tường, trên mái ngói. Nghe từng ô cửa trở mình men theo vạt nắng xiên ngang… Những thứ mà người đời vì vội vã đang để rơi vãi, mất mát quá nhiều. Khi đổ xô chạy theo thời cuộc với bao thứ hồ nghi bóng nhoáng mà nhễ nhại…

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG