Gần 5000 con heo bị tiêm thuốc an thần: Xử phạt không đủ mức răn đe

TP - Theo nhiều ý kiến, việc xử phạt hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi mổ cho thấy chưa đủ mức răn đe và còn quá nhẹ dẫn đến nhờn luật.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, trong Nghị định số 119/2013/NĐ-CP và Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Theo luật sư Hậu, việc xử phạt hành chính các thương lái khi phát hiện có chất an thần trong heo từ 30-35 triệu đồng là quá nhẹ và chỉ như “gãi ngứa”, không có tính răn đe. Do vậy, Chính phủ cần phải sửa lại Nghị định trong khi thực trạng sử dụng chất cấm đưa vào các loại gia súc, gia cầm thì ai cũng biết, ngay cả người vi phạm cũng biết và chấp nhận bị xử phạt mỗi khi bị phát hiện.

“Các lò mổ giết hàng nghìn con heo mỗi ngày là chuyện công khai chứ không phải là lén lút nên cán bộ thú y phải có trách nhiệm giám sát lò mổ, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi đưa ra thị trường trở thành heo sạch. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan thú y ở đâu, có tiêu cực hay không? Trong khi đó, khi tiêm loại thuốc an thần này phải sau 7 ngày cơ thể heo mới đào thải ra ngoài và làm cho thịt heo được tươi sau khi mổ và khi con người sử dụng về lâu dài có thể ung thư tủy” – luật sư Hậu nói.

Cũng theo luật sư Hậu, tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã được quy định tại điều 317 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã nâng mức xử phạt lên. Do đó, người nào sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, những người nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng cũng bị xử lý tương tự.

“Người tiêu dùng không thể biết được thực phẩm trên mâm cơm trong gia đình hay ngoài cửa hàng có chứa chất cấm hay không mà đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.Từ đó phải quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự những người có thẩm quyền như cán bộ thú y và cấm hoạt động các lò mổ vĩnh viễn nếu phát hiện chất cấm” – luật sư Hậu bày tỏ quan điểm.

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dư luận mấy ngày qua rất bất bình, có cử tri gọi điện thoại cho tôi đề nghị Quốc hội phải có tiếng nói về việc này. Có thể nói, sau khi Quốc hội mới thông qua Nghị quyết giám sát tối cao về an toàn thực phẩm một thời gian ngắn thì vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, mà lại ở xu hướng rất tinh vi, thủ đoạn nguy hiểm, cơ quan pháp luật phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát mới bắt quả tang.

“Có thể nói đây là hành vi nguy hiểm, bất chấp sự an nguy của con người, đồng loại vì lợi ích cá nhân, cục bộ. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình cảnh chấp nhận lỗ, cố gắng khắc phục khó khăn của nhiều hộ chăn nuôi thời gian qua. Dư luận cho rằng hành vi của cơ sở tiêm thuốc an thần đã thực sự “coi người như vật, coi luật như rác”.  Nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt vài chục triệu là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe” – ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, Nghị quyết giám sát của Quốc hội vừa qua, pháp luật của Nhà nước đều giao cho các cơ quan có thẩm quyền nhiều quyền và trách nhiệm. Bây giờ khi phát hiện vụ việc thì theo tôi cần giao cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện, nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm nào, từ thông đồng đến thiếu trách nhiệm đều xử lý. Đặc biệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dư luận mấy ngày qua rất bất bình, có cử tri gọi điện thoại cho tôi đề nghị Quốc hội phải có tiếng nói về việc này. Có thể nói, sau khi Quốc hội mới thông qua Nghị quyết giám sát tối cao về an toàn thực phẩm một thời gian ngắn thì vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, mà lại ở xu hướng rất tinh vi, thủ đoạn nguy hiểm, cơ quan pháp luật phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát mới bắt quả tang.

MỚI - NÓNG