Đêm nào, người dân trồng đào tại khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng cắt cử người trông nom vườn. Rút kinh nghiệm mấy năm trước, mấy căn lều nhỏ được dựng ngay trong khuôn viên vườn, họ ngủ lại qua đêm, canh chừng kẻ gian phá hoại. Gần sát Tết, những gốc đào vun vét của 4-5 năm trước đang chờ được thu hoạch.
Tối 16/1, họ quyết định tạm gác mọi công việc từ 23h, cùng tụ tập xem bóng đá. Sáng hôm sau, từng hộ gia đình theo chân nhau ra vườn. Như mọi ngày, họ dậy từ rất sớm, khoảng 7h, để tận tay chăm sóc từng gốc đào.
Thời điểm ấy, gần 200 gốc đào trước mắt họ, giá từ chục tới trăm triệu, đã bị chặt phá nham nhở. Một cảnh tượng mà theo lời người có 20 năm kinh nghiệm trồng đào tại Tỉnh Cầu, là chưa bao giờ chứng kiến. Tất cả vốn liếng tích cóp nhiều năm qua dồn hết vào mấy sào đào bỗng chốc tan biến sạch trơn dưới tay những kẻ phá hoại
Trước đây, bà con khu Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng làm ruộng là chính. Khoảng 20 năm nay, họ bắt đầu chuyển đất canh tác sang trồng đào. Đến Tỉnh Cầu những ngày giáp Tết sẽ là những ruộng đào mát mắt "vẫy chào" bạn, nếu như không xảy ra vụ việc chặt phá đêm 16/1.
11/13 hộ trồng đào tại đây bị kẻ gian phá hoại, với gần 200 gốc đào, chủ yếu là đào quý, đắt tiền bị chặt nham nhở. Đặc biệt, các đối tượng không chặt hạ hoàn toàn hay theo hàng lối, chúng lựa những cây đào thế và đào rừng có giá từ chục triệu trở lên để "ra tay". Chúng hoặc bẻ ngọn cây hoặc chặt bỏ ngang thân. Những cây đào giá trị chỉ sau một đêm biến thành khúc gỗ thừa, không thể bán hay cứu chữa.
Thiệt hại nặng nề nhất trong khu vực là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hào, ông Nguyễn Huy Thành và ông Ngô Văn Sử, mỗi vườn có khoảng 5 sào đào trở lên. Trước mắt, ước tính thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng.
Hàng năm, lác đác vài gốc đào của bà con tại Tỉnh Cầu cũng bị một số kẻ chặt chém. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có hiện tượng phá hoại số lượng lớn như thế. Theo lời bác Hùng, nhiều kẻ tình nghi thường rình mò, rồi lợi dụng lúc người dân không để ý để phá đào. Bình thường, chúng chỉ lấy trộm 1, 2 cành, không đáng kể. Nhưng liên tiếp 11 hộ cùng hứng chịu, đối tượng lại chọn "chuẩn" từng cây to, được vun trồng nhiều năm, thì đây không phải là sự trùng hợp.
"Nói chung năm nào cũng bị mất, nhiều đứa nghịch ngợm cưa trộm "đàng hoàng" đúng vài cành là thôi. Đằng này lại gần 200 gốc, thì chắc hẳn là có mục đích cả" - bác Hùng nói.
Nhiều hộ gia đình chẳng có nổi cái bánh chưng ăn Tết
Ông Thành không buồn đếm số lượng đào bị chặt phá, bởi lẽ nhiều quá đếm không nổi. Trên vài gốc đào, những cành bị chặt còn nằm lại vất vưởng, cành thì bị đạp gãy, nằm "sõng soài" dưới đất.
"18-20 năm trồng đào, có bao giờ như này đâu. 147 gốc mất sạch trong một đêm, tết năm nay còn chả có cái bánh chưng mà ăn", ông nói. Trước nhiều nghi vấn có kẻ ghen ghét chặt phá đào, ông Thành thật thà chia sẻ, người nông dân vốn sống hiền lành, giúp đỡ lẫn nhau, chẳng ai nỡ phá đi miếng cơm manh áo của người khác.
"Chúng tôi tin nhau, cùng dựng lều, dựng trại trông nom đào, cũng không có thù oán gì với ai. Cả một vùng trải dài bị phá như thế, cuộc sống chúng tôi chỉ có trông về đào thôi, giờ chán bỏ làm, không muốn buôn bán gì nữa".
Ông Thành nhà có cô con gái út chuẩn bị vào Đại học. Tết nhất tới nơi, ngoài lo tiền sắm sửa, ông còn tính dành dụm chút đỉnh sang năm cho con ra Hà Nội. Người trồng đào muôn năm chỉ có mỗi mùa Tết Nguyên đán để thu hoạch, giờ mất sạch, trắng tay.
"Tôi làm lụng vất vả thì chúng nó phá, không còn gì. Giờ nếu muốn bỏ gốc để trồng cây mới còn phải mướn thợ vứt đi, rất tốn kém. Đào rừng bị chặt thì tôi có thể cưa đi làm lại, còn riêng đào thế thì coi như vứt, chặt gốc trồng lại. Thiệt hại khoảng 200 triệu", ông Thành sụt sùi nói, trong lúc chỉ vào một gốc đào nhà mình.
Với những cây đào đã được người ta đặt mua sẵn, ông Thành phải trả lại tiền đặt cọc kèm lời xin lỗi. Ông hẹn họ dịp khác, nhưng chắc cũng phải 5-6 năm nữa mới được một gốc đào đẹp như thế. "Đào bị phá không sửa nổi vì anh em làm đào biết, nếu có sửa cũng không ra gì. Thế là hết!!!".
50 gốc đào nhà ông Sử tan hoang dưới vết chân đạp của các đối tượng. 4 sào vườn bị phá 50 gốc, cây đắt nhất có giá 17 triệu đồng, được chăm nom gần 5-6 năm. Sáng sớm ra chăm sóc, ổng phát hiện cây đổ nghiêng mới biết là bị gãy và chặt. Chúng bẻ toàn đào ngũ phúc và đào rừng, dạng cây từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất tới 6 năm.
"Mỗi cây nếu bình thường bán được giá 4 - 5 triệu, giờ lại về 0. Không bắt được người phá hoại, chúng tôi chỉ còn biết nhờ lực lượng chức năng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân. Chúng tôi sợ năm sau lại tiếp tục bị phá. Đào bị hỏng không khắc phục được, coi như cưa cụt làm lại từ đầu. Công sức bỏ ra bị phá với ăn trộm, cắt hết cả cơm các con, các cháu, trông chờ thu mỗi tiền cuối năm, giờ thì lấy đâu ra tiền" - ông Sử buồn rầu tâm sự.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Thế Chín - Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn cho biết, công an thị xã Từ Sơn đã tiếp nhận thông tin và tiến hành điều tra. Theo ông Chín, tại phường Đình Bảng có hơn 400 hộ dân trồng đào thì có tổng số 11 hộ bị kẻ xấu chặt phá.
"Hộ bị phá nhiều nhất là 60 cây, cây giá trị nhất từ 15-20 triệu đồng. Trước đây cũng đã từng xảy ra tình trạng phá hoại đào như này nhưng số lượng chỉ vài cây", ông Chín cho biết thêm.
Trước đây, đêm 23/1/2018, tại vườn đào Tết của gia đình ông Nguyễn Thục Sinh, địa chỉ tại Xuân Ổ B, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng bị kẻ gian phá hoại gần 100 gốc đào. Trong đó, nhiều cây bị chặt tận gốc, nhiều cây bị phang cành, phang cụt ngọn.
Theo người nhà ông Sinh, vườn đào của gia đình là đào thế lâu năm phục vụ dịp Tết Nguyên đán nên rất có giá trị. Trong đó có cây to, thế đẹp nếu bán có thể được giá đến cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 đêm, các cây đào này bỗng trở thành gốc củi vì bị chặt cành, chặt ngọn.
Điều đáng nói là theo phản ánh, vài năm trước vườn đào của ông Sinh cũng đã xảy ra sự việc tương tự nhưng không phát hiện được kẻ gian đã thực hiện hành vi phá hoại.