Gà đồi Yên Thế đánh mất danh tiếng?

 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo ngành chăn nuôi thăm mô hình nuôi gà ở Yên Thế. Ảnh: PV
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo ngành chăn nuôi thăm mô hình nuôi gà ở Yên Thế. Ảnh: PV
TP - Gà đồi Yên Thế nổi tiếng từ thương vụ 5 triệu con gà bán cho TP Hà Nội Tết năm 2013. Sóng dậy một hồi, nhưng danh tiếng gà đồi Yên Thế vẫn không vang xa được đến đô thị “kén” chọn trong ăn uống.

Năm cha bảy mẹ sao tiêu thụ được

Được chọn là 1 trong 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, gà đồi Yên Thế được quan tâm đặc biệt của địa phương. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng dành nhiều tâm huyết để bàn thảo cách thức đưa con gà vùng đồi núi trung du này đến thị trường tiêu thụ lớn như TP. Hà Nội, hay các tỉnh thành khác trong cả nước.

Năm 2010, sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Có lúc, lượng gà nuôi trong vùng đã tăng tới 6-7 triệu con, vượt quá cả khả năng tiêu thụ. Khi gà được gắn “mác” an toàn, chất lượng mà sự kiểm soát không được thực thi nghiêm đã dẫn tới việc mạo nhận gà đồi Yên Thế, khiến người tiêu dùng phần nào mất lòng tin.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, người gắn bó với gà đồi Yên Thế từ gần 10 năm trước cho biết, Bắc Giang chọn nuôi gà đồi ở Yên Thế là đúng hướng. Bởi, các công ty FDI dù muốn cũng không thể cạnh tranh được với sản phẩm đặc trưng, riêng biệt này. Thế nhưng, thế mạnh ấy lại đang bị đánh mất ngay trên chính những khu vườn nuôi gà của địa phương. Nguyên do chính là các hộ dân nơi đây mới chỉ tự túc được 40% giống gà ri lai và 50% giống gà mía lai và 10% là các giống lai chọi và gà địa phương.

TS Sơn nói: “Thị trường Hà Nội khó tính và đỏng đảnh ở chỗ không phải cứ nói là gà đồi Yên Thế là người ta trả giá cao. Người Hà Nội bây giờ không cần gà 1,9-2kg, mà chỉ cần 1,1-1,2 kg, ăn trong một bữa, có người còn chọn con thịt thơm ngon. Trong khi gà của Yên Thế năm cha, bảy mẹ con bằng cái phích, con bằng nắm tay con chân vàng, con chân xám… thì làm sao tiêu thụ được”.

Đơn độc theo hộ, khó nuôi gà

Ông Nguyễn Văn Êm ở thôn Tân Sơn, xã Đồng Tâm (Yên Thế, Bắc Giang) mong muốn nuôi gà bằng ngô trộn một phần thức ăn hỗn hợp ủ men vi sinh. Đây là cách sẽ đem lại cho gia đình ông thu nhập cao, ổn định. Với trại gà nuôi 12.000 con/lứa gà đồi đặc sản của vùng Yên Thế, một năm ông thả nuôi ba đợt.

Nhìn vào lượng gà khủng như vậy, ai cũng tưởng gia đình ông sẽ giàu to. Thế nhưng, thực tế ông Êm vẫn phải ở trong nhà lợp pro – xi măng. Phân bua về việc nuôi gà đồi mãi mà không giàu, ông Êm nói: “Trang trại của tôi nuôi gà VietGAP, đảm bảo gà sạch, chất lượng thơm ngon.

Có những khách ở Hà Nội gặp chúng tôi đã nói ở đây bán với giá 60.000 - 65.000 đồng/kg rẻ quá. Chúng cháu ở Hà Nội vẫn phải mua với giá 120.000 đồng/kg gà thành phẩm”. Theo ông Êm, giá thành sản xuất gà đồi của trang trại gia đình ông ở mức 55.000 đồng/kg. Với giá bán ra khoảng 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu lãi 5.000 đồng/kg, chỉ đủ nuôi sống gia đình và người làm thuê.

Cũng theo ông Êm, ngành chăn nuôi gà không thể độc lập được mà nó phải mang tính chất tập thể. “Muốn có tính chất tập thể, tôi kêu gọi rât nhiều rồi, các cấp lãnh đạo phải vào cuộc, các ngành liên quan phải thống nhất thì mới chỉ đạo ở bên dưới được. Nhưng bây giờ hỏi ai chỉ đạo, ai thống nhất, ai làm? Đó là việc khó” – ông Êm nói. Do đơn độc, thiếu liên kết, gia đình ông đang phải mua vật tư trả chậm với giá cao.

Cũng ông Êm kể giá cám cao, việc chăn nuôi thiếu quy trình chặt chẽ đã khiến ông phải tiêu tốn 7kg thức ăn mới chuyển hóa được thành 1 kg thịt gà.

Cách nào lấy lại danh tiếng?

Trước những bức xúc của người dân, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang ngày 20/12/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu địa phương cần sớm nghiên cứu, thành lập ra các HTX chăn nuôi gà.

“Có HTX thì mới xác nhận VietGAP, chứ không ai đi xác nhận VietGAP cho 11.000 hộ được. Và khi có VietGAP, doanh nghiệp mới liên kết hợp tác. Đặc biệt, có HTX làm đầu mối để liên kết, đại diện để giao dịch mua đầu vào, mua vật tư, như mấy HTX chăn nuôi trên Lào Cai, họ yêu cầu xí nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi giảm giá, chiết khấu 15%. HTX mua cho xã viên 15%, định kỳ còn mời chuyên gia lên tập huấn cho xã viên. Hay như ở Hà Nam, tỉnh gọi ngân hàng đến giao liên kết tay ba, tức là ngân hàng cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vay, nhưng để bán chịu thức ăn cho HTX. Cách hợp tác “tay ba” như ở Hà Nam rất hiệu quả”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng giao Viện Chăn nuôi cung cấp nguồn giống gà bố mẹ chất lượng cao cho Bắc Giang để nhân giống. TS Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Hiện Viện Chăn nuôi đang có 8 bộ giống về gà lông màu, trong đó có 5 bộ giống về gà hướng thịt, cho 3 dạng sản phẩm: Phục vụ chăn nuôi trang trại, khối lượng lớn, tăng trọng nhanh, sử dụng thức ăn ít, khoảng 49-50 ngày xuất; Dạng thứ hai cho gia trại, khoảng 70 ngày; Dạng thứ ba, nuôi cao hơn một chút khoảng 80-85 ngày, khoảng 1,2kg. Thịt thơm ngon, trứng cũng đẹp, mào cờ. Con đấy có thể bán 90-100 nghìn đồng, hiệu quả hơn. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Bắc Giang”.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, trong 2 năm tới, tỉnh Bắc Giang nên đặt niềm tin vào Viện Chăn nuôi để cùng tạo gà Yên Thế, chứ không phải gà ri hay lương phượng gì hết. Giá trị con gà Yên Thế được đánh giá bằng thu nhập của người dân, người dân không có thu nhập họ bỏ nuôi thì hết cả tiếng luôn.

MỚI - NÓNG