Dường như việc kiểm soát tải trọng ở đây đang bị bỏ ngỏ: Không biển báo, cán bộ xã không có thẩm quyền, không lực lượng tuần tra, xử phạt...
Rầm rập phá đường
Ở Bắc Giang có tuyến đường liên xã từ thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) vào đến phía Tây dãy núi Yên Tử (thuộc xã Lục Sơn - huyện Lục Nam) dài khoảng gần 20 km. Đây là tuyến đường được xây dựng, trải nhựa bằng vốn vay của nước ngoài, đưa vào sử dụng từ năm 1995, là hình mẫu trong đầu tư giao thông nông thôn tại khu vực này.
Nhưng bây giờ, rất khó nhận ra tuyến đường nhựa vốn phẳng phiu, đẹp đẽ. Giữa đường, nền đường lồi lên như lưng trâu, kéo dài hàng km. Hai bên, đường hằn xuống thành những rãnh, những hố chỉ còn trơ cốt đất đá.
Nhiều đoạn, hầu như không còn dấu vết của nhựa đường, thay vào đó là nền đất đá với những hố, những vũng sâu hoắm. Xe máy đi vào đây ngoằn nghèo tránh ổ voi, ổ gà tựa như làm xiếc. Xe con lỡ vào đây, gầm quệt nền đường ken két. Thời gian di chuyển cho quãng đường “khổ” này mất gần 1 giờ.
Thủ phạm chính làm cho cung đường nức tiếng một thời này chính là “tập đoàn” xe tải từ các mỏ than nằm dưới chân núi Yên Tử. Hằng ngày, những xe than đen kịt, bập bềnh, lắc lư cày nát con đường để lại những vệt đất đá còn in nguyên hình lốp. Ngoài xe than, các xe chở xăng dầu, xe gỗ nặng hàng chục tấn cũng đang ngày đêm góp phần tàn phá tuyến đường.
Đường liên xã qua xã Lục Sơn (Lục Nam - Bắc Giang). Ảnh: Sỹ Lực
Ông Phạm Văn Thể, Bí thư xã Lục Sơn nói: “Cân tải trọng ở đâu chứ ở đây, xe vẫn rầm rập phá đường. Dù biết là xe quá tải, đường không chịu nổi nhưng chính quyền xã bất lực vì không có thẩm quyền dừng xe, xử phạt”. Trước đây, dù không có cân, không được xử phạt, cán bộ xã từng dừng xe để đo thể tích, quy ra tải trọng xe rồi gọi công an huyện vào xử lý.
Nhưng làm mãi, quá tải vẫn hoàn quá tải nên đành chấp nhận nhìn những đoàn xe than ngày đêm hoành hành. Vừa qua, thấy đường hỏng sốt ruột, cán bộ xã ra mỏ kêu, doanh nghiệp làm lại cho xã 1 km mặt đường - một sự hỗ trợ không thấm tháp gì so với những đoàn xe gây ra cho toàn tuyến.
“Quậy” nát làng nghề
Về cụm công nghiệp Châu Khê (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh) hôm nay khó hình dung được con đường nhựa trong khu công nghiệp Châu Khê được làm cách đây khoảng 5-6 năm bằng Ngân sách Nhà nước. Những chiếc xe tải thùng to, dài thườn thượt từ khắp trong Nam ngoài Bắc tụ hội về đây “ăn” hàng hoặc chở sắt vụn về nhập. Xe nặng cộng với nước túa ra từ các xưởng cán thép trở thành thảm họa kép của tuyến đường này.
Con đường nhựa ngấm nước, mềm ra bị những chiếc xe tải trọng nặng càng tạo thành những hố vũng lớn lút quá nửa bánh xe. Làng nghề sắt thép Đa Hội phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) kế đó cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các tuyến đường đầu làng bị những chuyến xe chở sắt thép “quậy” suốt ngày đêm giờ chỉ còn trơ nền đất.
Cũng tương tự như bao cung đường làng khác, trên các tuyến đường tại đây không có bất cứ biển báo hạn chế tải trọng. Về khả năng kiểm soát, ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Khê cũng cho biết: “Cán bộ địa phương không có quyền xử lý”.
“Một số nơi, bà con thường xây các cột trụ để ngăn xe ô tô vào. Điều đó thể hiện nhu cầu bảo vệ đường của nông dân nhưng cách làm đó vẫn mang tính bột phát, có phần ngăn sông cấm chợ. Bởi vì, xe to không phá hại đường nếu tải trọng được dàn đều. Nếu cấm hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Lều Vũ Điều
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ cho biết), tải trọng đường giao thông nông thôn thường được thiết kế thấp hơn nhiều so với quốc lộ, tỉnh lộ (tiêu chuẩn đường nông thôn loại A chỉ đạt 6 tấn/trục; loại B chỉ 2,5 tấn/trục - PV). Vì thế, nếu xe tải trọng lớn vào đường nông thôn sẽ nhanh chóng gây hư hỏng, xuống cấp và lãng phí đầu tư.
Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng: Bộ GTVT cần nghiên cứu một quy định thống nhất cho các địa phương để tránh lãng phí đầu tư. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh đường nông thôn được tập trung nâng cấp thông qua chương trình Nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, theo quy định hiện hành, trách nhiệm quản lý đường nông thôn hiện nay đang được giao cho địa phương. “Địa phương cần chủ động bố trí lực lượng để thực hiện; trước hết là chốt chặn tại các đầu mối, nối đường xã ra đường huyện để kiểm soát tải trọng. Việc triển khai cân xe tại đường xã khó thực hiện trong điều kiện hiện nay” - ông Thắng nói.