Dương Tự Trọng khẩn thiết xin điều gì trước tòa?

 Dương Tự Trọng và các bị cáo tại tòa ngày 22/5
Dương Tự Trọng và các bị cáo tại tòa ngày 22/5
TP - Hôm qua (22/5), TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Các bị cáo trên bị cáo buộc tổ chức cho Dương Chí Dũng, anh trai ông Trọng, bỏ trốn.

Tại phần xét hỏi buổi sáng, bị cáo Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng) cho rằng, trong vụ án này bị cáo chỉ là người thực hành.

“Tôi coi anh Dương Chí Dũng như anh ruột nên việc gì tôi cũng giúp. Tôi bàn với Đồng Xuân Phong thì Phong nói sẽ bàn với Dũng “Bắc Kạn” để đưa anh Dũng đi trốn” - ông Sơn khai. Các bị cáo Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh... cũng khai nể nang nên giúp anh em ông Trọng chứ không vụ lợi.

Dương Tự Trọng bật khóc

Được tòa gọi lên xét hỏi, bị cáo Dương Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa ngậm ngùi xin phép HĐXX vài giây để tưởng niệm bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn mới mất. Do bị cáo này đang xúc động nên HĐXX cho ông ta ngồi xuống để lấy lại bình tĩnh và chuyển sang xét hỏi bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Sau đó, bị cáo Trọng thừa nhận tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn, song: “Việc đánh giá chúng tôi tổ chức tinh vi là không đúng bởi những người bị cáo nhờ vả đều quý như anh em ruột thịt, còn xét về tinh vi thì bị cáo có thể nhờ những anh em xã hội ở Hà Nội và nhiều nơi khác”. Nhớ lại ngày Dương Chí Dũng thông báo sẽ bị bắt, bị cáo Trọng nói lúc đó rất thương anh trai. “Tôi đã khóc suốt vì thương anh” - ông Trọng nói.

Nói về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Trọng cho rằng mình bị truy tố ở khoản 3 Điều 275 là chưa đúng, song ông Trọng cũng đề nghị xin giảm án cho “các anh em”, hơn là cho bản thân.

Đến lượt Dương Chí Dũng, ông này thừa nhận quyết định trốn đi nước ngoài là của bị cáo. “Trọng thương tôi nên muốn giúp tôi. Nếu Trọng không giúp thì tôi cũng sẽ tìm cách trốn được…” - ông Dũng khai. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Dũng cũng thừa nhận quyết định trốn đi nước ngoài là quyết định sai lầm, để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, người thân và anh em. Ông Dũng cũng tiếp tục khai được một cán bộ Bộ Công an báo tin sẽ khởi tố vụ án, “chú tạm lánh đi”...

Trả lời HĐXX, các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (vợ của Dương Tự Trọng), Phạm Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) khai không hay biết việc Dương Tự Trọng đưa anh trai mình đi trốn.

Khẩn thiết xin cho anh trai được sống

Chiều qua, nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, Dương Tự Trọng tiếp tục xin giảm án cho mình và các bị cáo.

“Kính thưa HĐXX, chúng tôi bị tạm giam đến nay cũng đã hơn 1 năm. Khoảng thời gian trôi qua rất chậm chạp, nặng nề, dài đằng đẵng. Ở vào hoàn cảnh của chúng tôi, mỗi giây mỗi phút trôi qua là sự khát khao tự do, nỗi nhớ nhà da diết, cùng với những khắc khoải, lo âu, tuyệt vọng và xót xa. Càng xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ thân nhất là khi nghĩ về bố mẹ… Tôi nhiều đêm giật mình thổn thức nhớ mẹ, thương mẹ vô cùng” - bị cáo Trọng ngậm ngùi.

Nói về Dương Chí Dũng, bị cáo Trọng chia sẻ: “Mỗi khi hướng lên tầng trên - nơi có buồng giam Dương Chí Dũng, tôi lại nằm đọc cho anh nghe những câu đầy ý nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo, kể cho anh nghe những câu chuyện giàu truyền thống nhân đạo, vị tha của dân tộc ta để động viên anh cố gắng, rồi tôi ngước nhìn lên…”.

HĐXX buộc phải ngắt lời vì cho rằng bị cáo phải đi thẳng vào đề đạt nguyện vọng. Bị cáo Trọng cho biết: “Tôi cầu xin Chủ tịch nước cùng mọi người từ bi xin cho anh Dũng và anh Phúc được sống. Ngày nào tôi cũng cầu xin điều đó và hy vọng điều đó”.

Dương Tự Trọng cũng cầu xin trời phật cho bố mẹ thêm tuổi, thêm sức khỏe, mong đợi đến ngày nào đó được chạy về sà vào lòng mẹ. Bị cáo mong HĐXX công minh, công tâm trong xét xử, không khiên cưỡng.

Cuối giờ chiều qua, Chủ tọa tuyên bố kết thúc xét xử để nghị án và sẽ tuyên án lúc 13h30 hôm nay (23/5).

Dương Tự Trọng được đề nghị giảm án

Trong bản luận tội, dù vẫn xác định Dương Tự Trọng là bị cáo cầm đầu, chủ mưu tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, song công tố viên đã đề nghị Toà giảm nhẹ hình phạt cho ông Trọng vì đã khai báo thành khẩn. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Trọng bị tuyên 18 năm tù giam.

Công tố viên cũng chấp nhận kháng án, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh...; không chấp nhận đơn kêu oan của bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Luật sư: Còn nhiều tình tiết chưa được xem xét

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng, còn nhiều tình tiết tòa sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo. “Tối 17/5 mới có quyết định khởi tố Dương Chí Dũng, mà quyết định khởi tố này là tuyệt mật, do đó VKS buộc các bị cáo phải nhận thức được đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng là không khách quan” - ông Hưng nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Hưng, tội tổ chức người khác trốn ra nước ngoài thì buộc phải lén lút. Lén lút đã là yếu tố định tội trong khi lại cho rằng hành vi lén lút, dùng các biện pháp tinh vi là tình tiết định khung tăng nặng là rất khó hiểu.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Dũng, bổ sung: “Khi các bị cáo đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài, chưa có bản nào kết tội ông Dũng, vậy tại sao lại bắt các bị cáo phải chịu trách nhiệm đặc biệt nghiêm trọng về hậu quả của vụ án này. Lúc này ông Dũng cũng chưa bị khởi tố về tội tham ô tài sản, vậy tại sao buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc gây mất niềm tin của nhân dân vào quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Nhà nước? 

MỚI - NÓNG