Theo đó, dự án tuyến đường nối Hoà Lạc (Hà Nội) – Hoà Bình là một hợp phần cùng với dự án nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai (Hà Nội) – Hoà Bình, được đầu tư theo hình thức BOT, do Cty BOT Quốc lộ 6 – Hoà Lạc – Hoà Bình làm chủ đầu tư (liên danh Tổng Cty 36 – Hanco – Trường Lộc).
Tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình mới dài 25,6km, theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, với tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỷ đồng. Nhà đầu thư thu hồi vốn bằng thu phí qua trạm đặt tại đại phận Hoà Bình, với thời gian thu phí là hơn 27,6 năm.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Cty BOT Quốc lộ 6 – Hoà Lạc – Hoà Bình cho biết, theo hợp đồng ban đầu giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, mức phí của tuyến đường mới Hoà Lạc – Hoà Bình là 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi), và cao nhất là 200.000 đồng/xe tải 18 tấn trở lên và container 40 feet.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhà đầu tư và Bộ GTVT đã thống nhất giảm mức phí 20.000 đồng với mỗi xe từ 12 chỗ ngồi trở lên. Như vậy sau khi đi vào khai thác, mức phí với phương tiện qua tuyến đường này thấp nhất là 35.000 đồng/xe, và cao nhất là 180.000 đồng/xe.
Theo ông Bát, dự kiến việc thu phí được thực hiện từ ngày 1/11 tới.
Các phần việc cuối cùng trên tuyến đường BOT Hà Nội - Hoà Lạc đang được công nhân hoàn thiện nốt trước ngày thông xe.
Được biết, tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình mới tước đây do một nhà đầu tư khác thực hiện, nhưng sau đó vì lý do tài chính và các khó khăn về mặt bằng, nhà đầu tư này đã rút lui. Cùng đó, quá trình xây dựng phía ngân hàng cũng từng 2 lần dừng giải ngân cho dự án do lo ngại về phương án tài chính.
Ông Bùi Đức Hậu, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình cho hay, để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình khai thác và thu phí tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân. Cùng đó, các lực lượng liên quan cũng được chỉ đạo theo dõi sát tình hình, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự tại trạm thu phí khi tuyến đường đi vào sử dụng.
Với tuyến đường mới, thời gian đi Hà Nội – Hoà Bình chỉ còn khoảng 1h30 phút, thay vì hơn 2 tiếng đi theo Quốc lộ 6 như hiện nay.
Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì (dự kiến có tên cầu Văn Lang) cũng chuẩn bị thông xe đưa vào khai thác.
Trong cùng thời điểm trên, dự án BOT cầu Ba Vì – Việt Trì (dự kiến có tên cầu Văn Lang) nối Quốc lộ 32 và 32C cũng được đưa vào khai thác trong ít ngày tới. Cầu Văn Lang do Cty BOT Phú Hà làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Tổng chiều dài tuyến hơn 9,4 km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,5km, còn lại là phần đường dẫn kết nối với các tuyến quốc lộ 32 và 32C. Dự án khởi công từ tháng 8/2016.
Với cầu Văn Lang, phương tiện từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 20km so với các tuyến đường hiện nay. Cùng đó, người dân Việt Trì (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) qua lại sẽ không còn phải sang đò, tiết kiệm thời gian và chi phí.