Được lên tiếng là quyền của mỗi người dân

“Những gì cấm thì phải ghi cụ thể, không cấm thì người ta được làm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh khi thảo luận về Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa – TTXVN.
“Những gì cấm thì phải ghi cụ thể, không cấm thì người ta được làm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh khi thảo luận về Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa – TTXVN.
TP - “Các đồng chí nhớ rằng quyền mở mồm ra là quyền của mỗi người dân. Xã hội cần tự do, dân chủ, cởi mở. Những gì cấm thì phải ghi cụ thể, không cấm thì người ta được làm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi đề cập đến Luật Báo chí (sửa đổi).

Để trống 60% trận địa?

Vấn đề quản lý các trang tin, mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Báo chí (sửa đổi) ngày 18/2. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, hiện nay lượng người tham gia vào các trang thông tin trên mạng ngày càng gia tăng, nhưng trong dự thảo luật lại không đề cập. Điều này sẽ không đáp ứng được thực tiễn hiện nay.

Ông Ksor Phước phân tích, thông tin trên mạng hiện có các loại: Thông tin của cơ quan báo chí cung cấp, trang mạng blog cá nhân đăng ký ở trong và ngoài nước. “Nếu chưa kiểm soát được bên ngoài thì phải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi Việt Nam trước. Nếu không làm được điều này thì luật chỉ đảm bảo 40%, còn 60% vẫn để trống trận địa này”, ông Ksor Phước cho hay.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hiện công dân truy cập vào các trang mạng rất nhiều, trong khi đó dự thảo luật lại đưa việc quản lý lĩnh vực này bằng Nghị định 72 là rất khó hiểu.

Đồng tình với các ý kiến cho rằng, mức độ ảnh hưởng của truyền thông xã hội đang ngày càng lớn, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đây là Luật Báo chí nên chỉ quản lý các loại hình báo chí. Còn lĩnh vực truyền thông xã hội, trang tin điện tử hiện nay đã có Nghị định 72 của Chính phủ quản lý và có chế tài rất chặt chẽ.

“Nếu đưa vào luật này thì vô hình chung công nhận trang tin điện tử, blog cá nhân là báo chí. Luật Báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, bởi chúng ta không chấp nhận tư nhân hóa báo chí, còn blog cá nhân, mạng truyền thông xã hội là ngoài báo chí”, Bộ trưởng Son lý giải.

Dân chủ là để cho dân được mở mồm

Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, trào lưu hiện nay là người ta ít đọc báo, chỉ mở điện thoại ra xem thông tin trên mạng. Nếu chưa quy định cụ thể mạng xã hội thì phải đưa vào luật bằng nguyên tắc. Còn lý do không phải loại hình báo chí và đã có nghị định quản lý, không đưa vào luật thì không ổn.

“Sắp đến bầu cử, trên mạng có nhiều thông tin, người ta còn in ra cả tập gửi cho tôi. Các đồng chí bảo không phải báo, nhưng nó vẫn xuất hiện. Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin là nhân dân ủng hộ. Các đồng chí bảo các trang mạng, blog không phải báo thì là loại gì? Nó là loại đi đêm à? Nhưng thực tế nó như ban ngày rồi. Các đồng chí bảo để thông tư, nghị định này kia quản lý thì không ai chịu đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Nhắc lại câu chuyện Bác Hồ hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quyền dân chủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Dân chủ được Bác Hồ định nghĩa đơn giản và dễ hiểu là “để cho dân được mở mồm”. “Các đồng chí nhớ rằng quyền mở mồm ra là quyền của mỗi người dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho hay, quản lý không có nghĩa là cấm đoán, siết lò xo lại, không cho người ta làm cái gì. Như thế là vi phạm Hiến pháp. “Xã hội cần tự do, dân chủ, cởi mở. Những gì cấm thì phải ghi cụ thể, không cấm thì người ta được làm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Để phát huy quyền công dân, ông Ksor Phước đề nghị luật sửa đổi cần bổ sung quy định, công dân được quyền bảo mật danh tính khi cung cấp thông tin về tội phạm, tham nhũng thông qua báo chí.

“Tôi ví dụ lực lượng kiểm lâm móc ngoặc với chủ thầu để phá rừng. Người ta phản ánh nhiều nhưng không được xử lý. Bực mình người ta cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng với yêu cầu phải bảo vệ danh tính để không bị lâm tặc giết. Nếu báo chí đảm bảo đủ tin cậy thì người ta sẽ dám nói. Đó là quyền của công dân”, ông Ksor Phước nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Theo lộ trình thực hiện, tiến tới mỗi tỉnh, thành sẽ chỉ có một tờ báo và nhiều ấn phẩm. Theo quy hoạch, các tập đoàn, tổng công ty, cấp sở, ngành sẽ không có báo in, báo điện tử như hiện nay. Với các tập đoàn, Viện hàn lâm, bệnh viện… nếu cần thiết có thể ra tạp chí chuyên ngành.

MỚI - NÓNG