Thường vụ Quốc hội không đồng ý lùi dự án Luật biểu tình

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý lùi Dự án Luật Biểu tình
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý lùi Dự án Luật Biểu tình
TPO - Tại phiên họp thứ 45 vào hôm nay (17/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từ chối đề nghị của Chính phủ về việc rút dự án Luật Biểu tình khỏi chương trình kỳ họp tới.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật Biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết, khảo sát, nghiên cứu…

Theo Bộ trưởng Cường, Bộ Tư pháp thấy việc chuẩn bị dự án luật nêu trên đã “hòm hòm” nên hoàn toàn có thể trình ra Quốc hội. Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận về xây dựng dự luật trên nhưng ý kiến các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi dự án Luật Biểu tình.

Trước đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần đảm bảo đúng thời hạn trình dự án luật này bởi quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, "cứ lùi đi lùi lại mãi, không biết còn lùi đến bao giờ?".

Khẳng định tầm quan trọng của luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, Luật Biểu tình sẽ góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, đồng thời với việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

“Đây là luật để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là để đổi mới chính trị. Có ý kiến nói để khi nào tình hình an ninh trật tự đảm bảo thì mới làm luật này. Tôi thấy ý kiến như vậy không đúng, bởi vì chúng ta làm luật này là để đảm bảo an ninh trật tự”, ông Khoa phân tích.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Cứ xin lùi đi lùi lại mãi, không biết do không làm được hay không chịu làm?

“Thường vụ Quốc hội không đồng ý. Chính phủ chưa trình dự án luật ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã biết nội dung thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.  

Bổ sung dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Liên quan đến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, phía Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc nâng các quy định của Pháp lệnh bắt giữ tàu bay năm 2008, Pháp lệnh bắt giữ tàu biển năm 2010 thành quy định của luật là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cao hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bảo đảm trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biểu rõ ràng, chặt chẽ, thuận lợi hơn.

Đồng thời, việc nâng quy định của hai Pháp lệnh lên thành quy định của luật là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Ông Lý cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật này. Tuy nhiên, về mặt thủ tục, để bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ về vấn đề này và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội làm cơ sở xem xét, đưa dự án vào Chương trình.

Trình dự án Luật Hành chính công

Cũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/2, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị đưa dự án Luật hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).

Theo ông Phan Trung Lý, đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội và đã được đề xuất từ năm 2013, đại biểu đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự thảo Luật đã được đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về hành chính công.

Mặt khác, việc đề cao nguyên tắc nền hành chính công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Điều này đã được chú trọng thể chế trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong thời gian qua. Vì vậy, sáng kiến xây dựng Luật hành chính công nhằm quy định về hoạt động hành chính công, dịch vụ hành chính công trong một đạo luật để người dân thuận tiện theo dõi, tiếp cận là rất có ý nghĩa.

Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành việc đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

MỚI - NÓNG