Ngày 25/12, đội tìm kiếm cứu nạn của Indonesia đã sử dụng máy bay không người lái và chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân sau vụ sóng thần tàn phá khu vực duyên hải phía Tây đảo Java khiến ít nhất 373 người thiệt mạng.
Theo Reuters, đội tìm kiếm cho biết nguy cơ có thêm nhiều nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát sau sóng thần khi công tác tìm kiếm mở rộng. Ít nhất 128 người mất tích, hơn 1.400 người khác bị thương, và hàng nghìn người dân phải sơ tán lên khu vực cao hơn, khi có cảnh báo sẽ có thủy triều dâng cao cho tới ngày mai 26/12.
Trước tình hình này, đội cứu hộ phải sử dụng máy móc hạng nặng, chó nghiệp vụ và camera chuyên dụng để phát hiện và đưa các nạn nhân ra khỏi bùn và đống đổ nát dọc khu vực trải dài 100km thuộc vùng duyên hải phía Tây đảo Java. Giới chức Indonesia cho hay, khu vực tìm kiếm sẽ được mở rộng sang cả phía Nam.
Ông Yusuf Latif, người phát ngôn cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia, cho biết: “Có một số địa điểm mà trước đó chúng tôi nghĩ sẽ không bị ảnh hưởng từ vụ sóng thần. Tuy nhiên cho tới nay, chúng tôi đang mở rộng tìm kiếm sang các khu vực xa xôi hơn, và thực tế có nhiều nạn nhân ở đó."
Nhà chức trách và chuyên gia cảnh báo sẽ có thêm những đợt sóng cao nữa và khuyến cáo người dân tránh xa khu vực ven bờ.
Giáo sư Hermann Fritz từ Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho hay: “Bởi núi lửa Anak Krakatau đang phun trào trong vài tháng qua nên những trận sóng thần tiếp theo không thể bị loại trừ."
Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo, người sẽ tái tranh cử tổng thống Indonesia vào tháng Tư tới, nói với các cơ quan giảm nhẹ thiên tai cần lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm, song giới chuyên gia nhận định không giống như sóng thần do động đất gây ra, rất khó để cảnh báo người dân khi sóng lớn đang tới.
Eddie Dempsey, giảng viên tại Đại học Hull của Anh, cho rằng: “Sóng thần sau khi núi lửa phun trào xảy ra ngay tại bờ biển và thường xuyên gần với nơi dân cư sinh sống. Khoảng thời gian giữa lúc núi lửa phun trào và sóng thần ập tới là rất ngắn”.
Theo Theo Vietnamplus