Sóng thần Indonesia: 222 người chết, nguy cơ đối mặt đợt sóng thần mới

Sóng thần Indonesia: 222 người chết, nguy cơ đối mặt đợt sóng thần mới
TPO - Các chuyên gia cảnh báo về khả năng một đợt sóng thần mới xuất hiện tại eo biển Sunda, trong khi núi lửa Anak Krakatoa đang hoạt động.

Ít nhất 222 người đã chết và hơn 800 người bị thương khi một đợt sóng thần ập vào Indonesia tối 22/12. CNN trích dẫn ý kiến từ cơ quan chức năng Indonesia cho hay trận sóng thần có vẻ là kết quả một vụ trượt đất ngoài biển mà nguyên nhân là do núi lửa phun trào.

Sóng thần Indonesia: 222 người chết, nguy cơ đối mặt đợt sóng thần mới ảnh 1 Núi lửa Anak Krakatoa đang hoạt động, ảnh chụp ngày 23/12 (Reuters)

Anak Krakatoa là một hòn đảo mới hình thành từ năm 1928 từ miệng núi lửa Krakatoa. Năm 1883, núi lửa này phun trào dữ dội, lấy đi mạng sống của hơn 36.000 người.

Theo chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff của đại học Paris-South, Pháp, cần lưu ý là núi lửa đang hoạt động kể từ tháng Sáu, SCMP tường thuật. Và cơn sóng thần hôm thứ Bảy là đợt sóng thần thứ ba đổ vào Indonesia trong vòng 6 tháng. Indonesia hiện có 127 núi lửa đang hoạt động.

Anak Krakatoa, nằm giữa đảo Java và đảo Sumatra, rất gần khu vực dân cư đông đúc. Và cho dù đợt sóng thần vừa qua tương đối nhỏ, theo chuyên gia Richard Teeuw của đại học Portsmouth, Anh: “Những đợt sóng như thế mang theo đủ loại vật chất, những thứ phun ra từ núi lửa, là nguy hiểm chết người đối với cộng đồng ven biển, đặc biệt khi không có cảnh báo”.

Simon Boxall của đại học Southampton nói khu vực chịu sóng thần vừa rồi còn nằm trong vành đai thủy triều hoạt động mạnh tại thời điểm hiện nay và “đợt sóng thần đã được bổ trợ thêm sức mạnh”.

“Chúng ta hoàn toàn bó tay khi sóng thần bất ngờ xuất hiện”, ông Bardintzeff nói. “Thời gian giữa nguyên nhân và hệ quả chỉ là vài phút, quá ít thời gian để đưa ra cảnh báo”.

Các phao cảnh báo sóng thần được lắp đặt dưới đáy biển nhằm phát hiện động đất (nguyên nhân thường thấy của các đợt sóng thần. Ngay cả khi có một phao như thế gần đảo Anak Krakatoa, thời gian sóng ập vào bờ là quá nhanh, không có bất kỳ cơ hội cảnh báo sớm nào.

“Khả năng xuất hiện các đợt sóng thần tiếp theo tại khu vực còn khá cao bởi núi lửa Anak Krakatoa đang trong đợt phun trào, có thể gây ra lở đất ngầm dưới biển”, chuyên gia Teeuw nói. Ông Bardintzeff cũng cảnh báo rằng “chúng ta phải hết sức chú ý bởi núi lửa đang trong tình trạng rất không ổn định”.

MỚI - NÓNG